Phấn đấu xây dựng phát triển xứng tầm thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng
(Xây dựng) – Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2030: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao…
Thành phố Cần Thơ sẽ là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Từ lâu, Cần Thơ được xem là thủ phủ miền Tây với tên gọi “Tây Đô”. Địa danh “Cần Thơ” xuất hiện từ năm 1876, khi Pháp dùng tên sông Cần Thơ để đặt tên cho hạt Cần Thơ và sau đó là tỉnh Cần Thơ. Tuy nhiên, đến những năm 20 của thế kỷ XX, những công trình ở Cần Thơ mới được đầu tư xây dựng, như: Bến tàu Cần Thơ (1920), Bệnh viện, Nhà nghỉ Bungalow Cần Thơ, Nhà máy nước và Nhà máy điện (1925)…
Trải qua gần 150 năm thăng trầm lịch sử, hôm nay, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL. Qua gần 20 năm, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng phát triển, diện mạo Cần Thơ bây giờ đã nhiều đổi thay. Cần Thơ trở thành đô thị miền sông nước, thành phố cảnh quan của châu Á. Diện mạo thành phố Cần Thơ ngày hiện đại hơn với những tòa nhà cao tầng mọc lên, cảng hàng không quốc tế, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại sầm uất hình thành…
Theo nhận định của Bộ Chính trị thì Cần Thơ trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp”; hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là 1 trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, góp phần giúp Cần Thơ thực hiện vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Công tác khai thác, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tích cực triển khai; được vinh danh, nhận “Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch”. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng, đặc biệt là hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long được thúc đẩy, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ở mức thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc; nhiều việc làm mới được tạo ra, an sinh xã hội được bảo đảm…
Phía Tây Nam thành phố Cần Thơ. |
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết (Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước), trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển của ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng; nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn yếu kém, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Phát triển văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản còn nhiều hạn chế…
Để xây dựng phát triển Cần Thơ xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020, về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030: “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long…”.
Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung thành phố Cần Thơ theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL…
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Thành phố Cần Thơ đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 59-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Cần Thơ chọn thầu Liên danh tư vấn BCG (Mỹ) và Royal HaskoningDHV (Hà Lan) thực hiện quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. The Boston Consulting Group (Mỹ) và Royal HaskoningDHV (Hà Lan) là hai đơn vị trúng thầu số 2 về Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. The Boston Consulting Group là một trong những công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới, đóng vai trò chính trong xây dựng phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Royal HaskoningDHV đã có kinh nghiệm 140 năm toàn cầu và hơn 35 năm kinh nghiệm tại Việt Nam sẽ giúp Cần Thơ đánh giá thực trạng và lập phương án phát triển kinh tế – xã hội cũng như việc phân bổ sử dụng đất, hệ thống đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phương án bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng cơ sở dữ liệu của quy hoạch thành phố Cần Thơ.
Một góc đô thị Cần Thơ. |
“Cần Thơ là một đô thị, không nên phân làm đô thị và nông thôn; đô thị trung tâm vùng phải có vùng và cấu trúc đặc biệt về cả quy mô và chất lượng cấp vùng; đô thị đối trọng với Thành phố Hồ Chí Minh; là đô thị sinh thái, bản sắc sông nước; đô thị văn minh, hiện đại. Phát triển không gian phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế là cải thiện mức hiện trạng là đô thị đáng sống và trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực kinh tế chủ đạo, bao gồm: kinh tế nông nghiệp, năng lượng, logistics, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, tài chính…” – Chủ tịch Trần Việt Trường chia sẻ.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Cần Thơ mới đạt trên 70%, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 76%, đến 2030 đạt khoảng 80%. Thành phố Cần Thơ cho rằng để đạt được mục tiêu này cần phải tích hợp quy hoạch, gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch tích hợp phải làm sao đi vào cuộc sống, vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa phát triển đô thị. Hơn nữa, tương lai gần đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ hoàn thành kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian, đồng thời, khởi công tuyến đường cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và dài hơn là tuyến đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ hình thành nữa thì thành phố Cần Thơ sẽ là đô thị nhộn nhịp sầm uất nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phía Tây Bắc thành phố Cần Thơ. |
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ cho rằng: “Phát triển không gian đô thị thể hiện một chiến lược lâu dài hơn so với các vận động và phát triển kinh tế, vừa phải đáp ứng kịch bản kinh tế trong ngắn hạn, do đó phương án khi đưa ra đề xuất cũng cần làm rõ thêm về mối liên hệ này; từ đó làm cơ sở phát triển không gian phù hợp với giai đoạn lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, vừa đảm bảo tương lai phát triển lâu dài thành phố Cần Thơ và không tách rời thực tiễn trong giai đoạn ngắn. Đồng thời, thực hiện quy hoạch tích hợp; thể hiện từ quá trình làm việc, tiếp cận, để tạo sản phẩm quy hoạch. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu và có đóng góp quan trọng cho phương án phát triển không gian đô thị. Có thể nói, các yêu cầu trong công tác quy hoạch đô thị của thành phố Cần Thơ là hết sức cơ bản và bao hàm yếu tố thời đại. Trong đó bám sát giá trị cốt lõi của đặc thù đô thị về tự nhiên, vị trí, địa hình để đảm bảo sự phát triển bền vững trước các tác động; đồng thời kết hợp mô hình quản trị hiện đại. Công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị có thể không sản xuất trực tiếp ra của cải vật chất nhưng nó là một tiền đề quan trọng để mọi hoạt động đầu tư của toàn xã hội vận hành…”.
Đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh và bền vững. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ là tập trung vào các nhóm về quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Cần Thơ quản lý; luồng hàng hải Định An – Cần Thơ; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ sông nước thơ mộng. |
Nghị quyết Quốc hội đang được thành phố Cần Thơ tích cực triển khai như: Quy hoạch đô thị; luồng hàng hải Định An – Cần Thơ; quy hoạch trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ… Với những nỗ lực của thành phố Cần Thơ và với xúc tác các Nghị quyết Trung ương; Chương trình hành động Chính phủ; cùng Nghị quyết Quốc hội sẽ là điểm tựa mở ra những thuận lợi, cơ hội lớn cho thành phố Cần Thơ thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng phát triển vươn lên xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.
Nguồn: Báo xây dựng