Phấn đấu trồng khoảng 800 ha sâm Ngọc Linh tại huyện Kbang
Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch số 545/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu chung phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh trồng sâm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, phát triển các sản phẩm sâm mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây sâm để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng sâm.
Diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng sản xuất khoảng 800 ha, 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh được cấp mã vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Hình thành thêm mới ít nhất 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 01 nhà máy sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
Đến năm 2045, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu hẹp của nước ta, chỉ phân bố tự nhiên ở núi Ngọc Linh nằm trên địa bàn 4 huyện Tu Mơ Rông, Kon Plong, Đăk Glei, Nam Trà My của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Dưới tán rừng sản xuất một số khu vực nằm ở phía Đông Bắc và trên Cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; khu vực này hội tụ đầy đủ những điều kiện tương đồng với vùng núi Ngọc Linh, nơi sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.
Thực tế, những khu vực này là phần cuối về phía Nam của dãy Ngọc Linh, có độ cao từ 1.200 – 1.700 m so với mặt nước biển, độ dốc trung bình từ 10 – 18 độ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình khoảng 15,5 – 19 độ C, độ ẩm bình quân 80 – 85%; độ che bóng đạt 70 – 90%, đất dưới tán rừng tơi, xốp và có nhiều mùn; không có sương muối, mưa đá và có lượng mưa ổn định trải đều trong năm với tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.400 – 2.800 mm.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, phát triển khoảng 2.000 ha sâm các loại như: sâm Bố chính, đương quy, đẳng sâm, đan sâm…
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu