Phấn đấu sớm bàn giao mặt bằng Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị
(Xây dựng) – Để sớm triển khai thi công Khu công nghiệp Quảng Trị, thời gian qua, UBND huyện Hải Lăng đã thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu trong tháng 4/2023 bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Cán bộ đang tiến hành kiểm kê nhà dân trong khu vực dự án Khu công nghiệp Quảng Trị. |
Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1) có phạm vi thu hồi đất với diện tích 96,1ha, trong đó thị trấn Diên Sanh 6,69ha, xã Hải Trường 89,41ha. Tại địa bàn xã Hải Trường ảnh hưởng đến 36 nhà dân, trong đó có 17 nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, 3 thửa đất ở nhưng chưa xây dựng nhà, 5 trường hợp tách hộ nhưng đang cùng sinh sống trong 1 nhà trên cùng thửa đất, 1 nhà thờ họ Trương, 24 lăng, khoảng 403 ngôi mộ các loại và nhiều tài sản khác.
Lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng cho biết, trong tháng 3/2023 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư khoảng 71,34ha, trong đó 33,20ha đã có Quyết định phê duyệt; 20,45ha đang thẩm định, phê duyệt hoàn thành trước ngày 15/3 và 17,69ha thẩm định, phê duyệt trước 20/3. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân chưa đồng thuận để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ – GPMB để trình thẩm định, phê duyệt đối với diện tích còn lại 24,76ha để bàn giao trong tháng 4 tới.
Được biết, Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được khởi công từ tháng 4/2022, do Liên doanh các nhà đầu tư gồm Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (“VSIP JV”), Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (Công ty thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 500ha được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, các xã Hải Trường, Hải Lâm, huyện Hải Lăng với tổng mức đầu tư 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai trên phạm vi 100ha với mức vốn đầu tư 504 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021 – 2025. Dự án được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Quảng Trị như một trung tâm kinh tế trong tương lai dọc theo Hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
Nguồn: Báo xây dựng