Phấn đấu khởi công cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng ngay trong năm 2022

Kiểm tra hướng tuyến, hiện trường mặt bằng và làm việc với lãnh đạo các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng ngay trong năm 2022.

phan dau khoi cong cao toc ninh binh hai phong ngay trong nam 2022
Phó Thủ tướng khảo sát thực địa hướng tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng – Ảnh VGP/Đức Tuân

Chiều nay 12/7, tại tỉnh Thái Bình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đi kiểm tra thực địa hướng tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng và làm việc với các tỉnh, thành phố về công tác chuẩn bị triển khai, đề xuất hướng tuyến cao tốc này.

phan dau khoi cong cao toc ninh binh hai phong ngay trong nam 2022
Đơn vị tư vấn đề xuất phạm vi dự án – Ảnh VGP/Đức Tuân

Cùng dự có lãnh đạo các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua là: Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình.

Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hình thức hợp đồng BOT.

Theo ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, 4 tỉnh, thành phố đã làm việc với tư vấn để nghiên cứu về hướng tuyến, bảo đảm tuân thủ đúng chỉ đạo của Thủ tướng: Hướng tuyến ngắn nhất, tránh tối đa việc đi qua khu đô thị, khu đông dân cư để giảm chi phí mặt bằng.

phan dau khoi cong cao toc ninh binh hai phong ngay trong nam 2022
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng ngay trong năm 2022 – Ảnh VGP/Đức Tuân

Tỉnh Thái Bình đã giao các sở, ngành chức năng cập nhật phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai, bổ sung quỹ đất dự kiến triển khai thực hiện dự án vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của tỉnh Thái Bình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất; rà soát, bố trí mỏ cát biển phục vụ thi công dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tỉnh chủ động bố trí vùng khai thác vật liệu phục vụ việc triển khai dự án; dự kiến phương án bố trí vốn từ ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

phan dau khoi cong cao toc ninh binh hai phong ngay trong nam 2022
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu – Ảnh VGP/Đức Tuân

Các ý kiến tại cuộc họp nhất trí cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc là cần thiết, cần tiến hành khẩn trương.

Các ý kiến thảo luận về phương án hướng tuyến tối ưu, thống nhất đầu tư cao tốc với 6 làn xe.

“Chúng tôi thấy rõ ý nghĩa, vai trò của đầu tư tuyến đường này đối với địa phương”, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình nói. “Chúng tôi cam kết cùng nhau phối hợp để thực hiện thành công dự án trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất”.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến tuyến cao tốc dài 79 km, trong đó có 18 km đi qua Ninh Bình, 32,7 km qua Thái Bình, 28,7 km qua Nam Định và còn lại qua Hải Phòng.

phan dau khoi cong cao toc ninh binh hai phong ngay trong nam 2022
Phó Thủ tướng làm việc với các địa phương về cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng – Ảnh VGP/Đức Tuân

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, là hành lang kết nối từ các địa phương với sân bay, cảng biển, tạo ra động lực mới để phát triển khu vực phía nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. “Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc là cần thiết, có hiệu quả kinh tế. Như vậy phải quyết tâm làm và phải làm nhanh. Muốn làm nhanh thì cần làm đúng”, Phó Thủ tướng nói.

Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phải lấy lợi ích lâu dài, đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân đặt lên hàng đầu, tránh tư tưởng cục bộ địa phương; phối hợp chặt chẽ với nhau để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Nêu rõ phải đặt ra các mốc tiến độ cụ thể, khả thi và quyết tâm thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng ngay trong năm 2022.

Các địa phương chủ động bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu; đơn vị tư vấn, chủ đầu tư thực sự sát sao, bảo đảm chẩn bị dự án và đầu tư xây dựng đúng tiến độ, với chất lượng cao nhất. Nếu không bảo đảm yêu cầu thì thay đơn vị tư vấn.

Các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích