Phấn đấu hoàn thành tiến độ Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

(Xây dựng) – Ngày 3/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của 26 địa phương liên quan về tiến độ Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.

Phấn đấu hoàn thành tiến độ Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.

Đạt nhiều kết quả tích cực về hỗ trợ nhà ở

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo tại 26 địa phương, nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay, Chính phủ đang đôn đốc triển khai phong trào hỗ trợ nhà ở. Sắp tới, Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác nhằm thúc đẩy Chương trình này.

Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 3 Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng trước ngày 31/12/2025. Theo đó, hỗ trợ 110.000 căn nhà cho người có công; 126.000 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo cùng với việc xóa bỏ 153.000 căn nhà tạm, dột nát.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến lần này để rà soát, xem xét các vấn đề thực hiện tại các địa phương và đôn đốc giải quyết các vướng mắc liên quan đến Dự án 5.

Tại Hội nghị, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã báo cáo kết quả triển khai Dự án 5. Theo đó, các tỉnh đã và đang hỗ trợ khoảng 17.072 hộ, đạt 53% so với kế hoạch năm 2024 (32.123 hộ). Đến nay, các địa phương đã giải ngân khoảng 449,35 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, tương đương 34,4% kế hoạch, cùng với 18,469 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Một số tỉnh thực hiện hỗ trợ, giải ngân tốt như: Hà Giang 3.801 hộ đạt 93% kế hoạch (giải ngân 74%), Quảng Ngãi 1.490 hộ đạt 97% kế hoạch (giải ngân 40%), Yên Bái (100%), Ninh Thuận (100%). Lũy kế kết quả thực hiện Dự án 5 từ đầu Chương trình đến nay, các tỉnh đã hỗ trợ tổng cộng 43.754 hộ, đạt 47,5% (43.754/92.117 hộ) so với số liệu trong Đề án của các tỉnh và đạt 34,51% (43.754/126.780 hộ) so với kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025 của Chương trình.

Đánh giá chung, năm 2023, các địa phương đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, hỗ trợ đạt tỷ lệ 86,73% số hộ và giải ngân đạt 75,87% số vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch.

Trong năm 2024, trong 3 quý đầu năm, việc triển khai hỗ trợ của các địa phương diễn ra còn chậm với tỷ lệ hỗ trợ đạt 53% số hộ và giải ngân đạt 34,4% số vốn đã cấp từ ngân sách Trung ương. Do đó, việc hoàn thành kế hoạch và mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trong năm 2024 đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các Bộ, ngành và địa phương.

Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 5 tốt hơn nữa trong các tháng còn lại năm 2024 cũng như hoàn thành mục tiêu của toàn Dự án, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo hệ thống chính trị, các cấp chính quyền các huyện nghèo, các xã có đối tượng thuộc Dự án 5 khẩn trương, quyết liệt thực hiện theo kế hoạch hỗ trợ đã đề ra. Phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao năm 2024 và năm 2023 chuyển nguồn sang.

Phấn đấu hoàn thành tiến độ Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 26 địa phương.

Giao trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân để nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện. Bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng theo quy định, đồng thời tùy vào điều kiện kinh tế của địa phương để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND cấp huyện, xã ưu tiên thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thứ tự ưu tiên theo quy định. Rà soát lại Đề án đã phê duyệt để đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện về nhà ở để đảm bảo việc hỗ trợ đúng quy định. Chỉ đạo cấp xã xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để sớm giải ngân vốn hỗ trợ.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các địa phương

Tại Hội nghị, các địa phương đã có nhiều đóng góp ý kiến về khó khăn, vướng mắc triển khai Dự án 5 và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ. Đại diện tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương gặp khó khăn do phần lớn hộ dân là dân tộc thiểu số, dẫn đến sai lệch thông tin về tên và năm sinh; Chính phủ chưa có chính sách riêng cho hộ nghèo tại các huyện nghèo để vay vốn ưu đãi.

Tỉnh kiến nghị cần thay đổi đối tượng thụ hưởng trong công tác hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2023 – 2025; đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ ngân sách xã hội, đồng thời xem xét hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo.

Còn theo đại diện tỉnh Nghệ An, địa phương gặp khó trong việc thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở do số nhà dột nát gia tăng, nguồn vốn thiếu hụt và mức hỗ trợ xây dựng thấp. Giá vật tư tăng cao và điều kiện vận chuyển từ trung tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa khiến mức hỗ trợ 40 triệu đồng trở nên khó thực hiện. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động, trình độ hạn chế dẫn đến tiến độ triển khai chậm.

Để khắc phục khó khăn, tỉnh kiến nghị giao cho huyện điều chỉnh đề án cho phù hợp với thực tế; đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội nâng mức hỗ trợ và phê duyệt sớm Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; rà soát lại danh sách đối tượng được hỗ trợ.

Đồng tình với ý kiến của tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa mong muốn Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ mở rộng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ để tăng số lượng được thụ hưởng, mức hỗ trợ để thụ hưởng.

Một số địa phương như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lạng Sơn cũng đề xuất có hướng dẫn để giao UBND cấp huyện thực hiện rà soát các đối tượng được hỗ trợ; xem xét, đánh giá tổng thể chương trình có thể tăng mức hỗ trợ; cần có sự linh hoạt trong Đề án…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên vẫn còn 1 số địa phương gặp khó khăn khi triển khai, thực hiện như thay đổi đối tượng, hình thức hỗ trợ từ xây mới sang cải tạo sửa chữa và ngược lại; vướng mắc pháp lý về đất; mức hỗ trợ của Nhà nước; nguồn vốn đối ứng tại địa phương… Mặc dù vậy, kết quả được ghi nhận tại Báo cáo Kết qảu thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn có sự lạc quan, đảm bảo mục tiêu hoàn thành trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có những chỉ đạo quyết liệt tại cuộc hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, cơ quan về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước vào ngày 1/10. Sắp tới, Chính phủ sẽ có phát động cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công; Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công; Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân về nhà ở. Quá trình thực hiện cần có sự vào cuộc, chung tay của cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phân công rõ trách nhiệm… với đa dạng hình thức hỗ trợ.

Để thực hiện Dự án 5 hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương có chỉ đạo rà soát lại số lượng, danh mục đối tượng, hình thức trong năm 2024 và cho toàn bộ Chương trình; rà soát toàn bộ nội dung Đề án, có sự điều chỉnh, làm rõ, khẩn trương phê duyệt lại đảm bảo đúng thời gian, quy định.

Phấn đấu hoàn thành tiến độ Dự án 5 – Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Toàn cảnh Hội nghị.

Đồng thời, xem xét lại vốn ngân sách đã được phân bổ, cần phân bổ hết nguồn vốn đến từng xã, huyện. Kêu gọi các tổ chức chính trị – xã hội cùng chung tay hỗ trợ đa dạng bằng nhiều cách khác nhau như góp công, góp vật chất, vật liệu… Có sắp xếp thứ tự ưu tiên trong hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo theo quy định hiện hành, nhất là những người thực sự khó khăn về nhà ở.

Liên quan đến kiến nghị về điều chỉnh Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các địa phương có thể quyết định theo thẩm quyền. Đối với khó khăn về đất, tập trung rà soát đảm bảo thực hiện theo Đề án trên cơ sở có đất hợp pháp để ở; sớm báo cáo quy mô hỗ trợ với Bộ Xây dựng để Bộ báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội để nắm được đúng và đủ số lượng.

Về mức hỗ trợ, Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của các địa phương, sẽ có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội. Từ đó điều chỉnh tổng thể, phù hợp với tình hình thực tiễn… Với những vẫn đề khác còn khó khăn, các địa phương cần trao đổi trực tiếp với Bộ Xây dựng để có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Bộ sẽ cùng đồng hành với địa phương, đảm bảo đến ngày 31/12/2025 hoàn thành Chương trình và các mục tiêu đã đặt ra.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích