Phân bón giả kém chất lượng gây trở ngại lớn đối với người nông dân và doanh nghiệp

Phân bón giả, kém chất lượng – trở ngại lớn đối với người nông dân

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trung bình mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, dự báo nhu cầu sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số này là hàng giả, kém chất lượng, gây hại cho cây trồng và sức khỏe con người.

Chỉ riêng tại tỉnh Kiên Giang, theo cục Quản lý thị trường tỉnh, trong mấy tháng gần đây, đơn vị đã xử phạt một số cơ sở kinh doanh vi phạm, thu giữ hàng tấn phân bón kém chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; phân bón giả không có giá trị sử dụng với tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỉ đồng.

Hay như tại tỉnh Tiền Giang, 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 77 vụ vi phạm, đã xử lý 73 vụ, thu phạt gần 1,3 tỷ đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 1,8 tỷ đồng đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng giả; hàng không đảm bảo chất lượng; không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện; không niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng… Phần lớn các sản phẩm này được nhập lậu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, sau đó được dán nhãn mác, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí, với thủ đoạn tinh vi hơn, đánh lừa lòng tin của người nông dân, một số đối tượng buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả là sử dụng bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như: Phân Lâm Thao, Đạm Phú Mỹ,… để đóng gói sản phẩm kém chất lượng.

 Lực lượng quản lý đang tiến hành xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm

Siết chặt quản lý, tăng cường áp dụng các quy chuẩn đảm bảo chất lượng sản phẩm

Các loại phân bón giả thường chứa hàm lượng dinh dưỡng thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cây trồng, dẫn đến suy giảm năng suất. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật giả không những không có tác dụng phòng trừ sâu bệnh mà còn chứa các chất độc hại, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

Hơn nữa, các chất hóa học có trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả có thể tồn tại trong đất và nước suốt nhiều năm, gây ô nhiễm lâu dài. Đặc biệt, các chất này có thể ngấm vào cây trồng, từ đó đi vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn, gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, suy gan, suy thận.

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức nông nghiệp và người dân. Trước hết, cần có sự tăng cường về quản lý và giám sát từ phía các cơ quan chức năng. Cần thiết lập các quy định chặt chẽ về sản xuất, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm này, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Những biện pháp mạnh mẽ, như áp dụng các hình phạt nặng đối với những hành vi vi phạm, cũng là yếu tố quan trọng để răn đe và ngăn chặn các hành vi gian lận.

Các doanh nghiệp kinh doanh cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm đúng chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời minh bạch trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Hơn nữa, việc đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm an toàn, hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Liên quan đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đang hiện hành hiện nay phải kể đến Quy chuẩn quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón.

Phân bón trong thành phần chứa một hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng có hàm lượng hoặc tổng hàm lượng ≥0,005% khối lượng phải đăng ký các chất điều hòa sinh trưởng trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; hàm lượng hoặc tổng hàm lượng (trường hợp có từ hai chất điều hòa sinh trưởng trở lên) chất điều hòa sinh trưởng trong phân bón phải nhỏ hơn 0,5% khối lượng. Chỉ tiêu chất lượng phân bón công bố hợp quy phải đúng với chỉ tiêu chất lượng phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Đối với người tiêu dùng cũng cần được nâng cao nhận thức về việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật và phân bón an toàn. Việc mua hàng từ các nguồn đáng tin cậy, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi sử dụng và báo cáo kịp thời các sản phẩm nghi ngờ giả mạo cho các cơ quan chức năng là những hành động cụ thể mà người tiêu dùng có thể thực hiện.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích