Phân bón Cà Mau: Dấu ấn phát triển xanh, bền vững
Những ngày cuối tháng Mười năm 2024, chúng tôi có dịp về thăm lại Cà Mau. Sau mấy năm quay lại, thành phố Cà Mau đã trở nên sầm uất hơn nhiều. Về đêm, những ánh điện sáng lung linh như những vì sao nơi Đất Mũi. Có được sự đổi thay đến ngỡ ngàng này là nhờ Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, trong đó, Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau- PVCFC) là điển hình của việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, giảm lượng phát thải CO2 trong quá trình sản xuất.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Nhà máy Đạm Cà Mau, anh Đặng Hoàng Quân- Phó giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau chỉ cho chúng tôi những hàng cây xanh mướt trong khuôn viên nhà máy, vườn cây ăn trái với các loại cây dừa, xoài, nhãn,… và cả một vườn nuôi đà điểu và khu vườn thú. Nơi đó, những chú khỉ đang mải mê chơi đùa cùng nhau, vài cậu rùa to tướng đang đi khệnh khạng, mấy chàng chim công đang xòe đuôi đầy màu sắc rực rỡ để quyến rũ bạn tình… “Chúng tôi gọi nơi này là khu Safari của Nhà máy”- anh Đặng Hoàng Quân chia sẻ và cho biết, do có nhiều cây xanh to, nên cứ chiều đến là chim chóc từ các nơi bay đến Nhà máy rất nhiều.
Khu Safari của Nhà máy Đạm Cà Mau với nhiều loài chim, khỉ, rùa…
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, chuyển dịch năng lượng xanh
Vào trong các phân xưởng của Nhà máy Đạm Cà Mau, chúng tôi thấy rất ít công nhân, chỉ thấy vài xe nhỏ chở những bao phân bón xếp vào kho thành từng chồng. Như thấy được thắc mắc của chúng tôi, Phó Giám đốc Đặng Hoàng Quân dẫn chúng tôi đến dây chuyền đóng gói phân bón, ở đây, các robot đã làm hầu như gần hết các công đoạn đóng bao, ông Quân cho biết, Nhà máy tự động hóa nhiều công đoạn, nên đã giảm được khá nhiều lao động. Hiện nhà máy có trên 700 lao động đang làm việc.
Phó giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Đặng Hoàng Quân (bên phải) chỉ đạo công tác tại khu cảng xuất hàng của nhà máy
Nói về cam kết phát triển bền vững của Phân bón Cà Mau, Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Đặng Hoàng Quân cho biết, Phân Bón Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải 7%, tương ứng với 60.000 tấn CO2 mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này, công ty đã áp dụng các công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng và nghiên cứu chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2023, Công ty đã tiết giảm tương đương 12% tổng tiêu hao năng lượng trong sản xuất phân bón. Riêng năm 2023, lượng khí tiêu hao đã giảm 0,44%, cường độ phát thải trên mỗi tấn sản phẩm giảm 0,56% so với năm trước, trong khi nâng cao công suất vận hành của Nhà máy Đạm Cà Mau lên mức 115-116%. Nhà máy Đạm Cà Mau được Nhà bản quyền hàng đầu Châu Âu- Haldor Topsoe công nhận thuộc “Top 10% nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới”. Công ty cũng ứng dụng thành công công nghệ thu hồi CO2 để sản xuất phân bón và thu hồi nhiệt thải để phát điện, giúp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Phát triển bền vững cùng cộng đồng
Trong suốt hành trình phát triển, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ khách hàng, Phân Bón Cà Mau còn thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội toàn diện, với ngân sách hàng năm dành cho lĩnh vực này lên đến gần 100 tỉ đồng. Công ty đã và đang thực hiện các hoạt động xã hội trên nhiều mặt, từ hỗ trợ bà con nông dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu giao thông nông thôn, nhà đại đoàn kết, bệnh viện, các công trình trường học và chương trình khuyến học cho trẻ em ở các vùng khó khăn.
Công ty đã xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho người nghèo và các gia đình chính sách. Mới đây, Phân Bón Cà Mau đã tặng hàng ngàn bồn chứa nước sạch cho các vùng hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ bà con miền Bắc ổn định cuộc sống và tái thiết sản xuất sau bão Yagi.
Đặc biệt, hàng triệu suất học bổng “Hạt Ngọc Mùa Vàng” của Phân Bón Cà Mau đã đồng hành cùng các em học sinh, sinh viên trên con đường học tập. Ngoài ra, công ty còn tham gia hỗ trợ xây dựng hạ tầng y tế giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Những hoạt động này không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn hướng tới sự phát triển bền vững của cả cộng đồng.
Với định hướng phát triển bền vững, cam kết đồng hành cùng quốc gia hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, từ năm 2023, Phân Bón Cà Mau đã triển khai trồng 300.000 cây xanh trong chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh” góp phần vào chương trình 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, thể hiện nỗ lực chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Phân Bón Cà Mau ra quân trồng 5.000 cây xanh trên 9 tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau
Mới đây nhất, tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, Đoàn Thanh niên Phân Bón Cà Mau phối hợp cùng UBND huyện Cái Nước đã tổ chức ra quân trồng 5.000 cây xanh trên 9 tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã, tạo mảng xanh góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống của người dân địa phương.
Tầm nhìn phát triển bền vững
Chị Phạm Lan Anh- Trưởng phòng Truyền thông của Phân Bón Cà Mau cho biết, Phân bón Cà Mau tiếp tục được bà con nông dân các tỉnh thành trên khắp cả nước tin dùng, chiếm giữ đến 60% thị phần phân bón của cả nước. Với sản lượng ổn định, công ty liên tục cung ứng ra thị trường hàng triệu tấn phân bón chất lượng cao như urea hạt đục, đa dạng chủng loại NPK Cà Mau. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Phân Bón Cà Mau sản xuất 701.330 tấn ure và 130.470 tấn NPK, vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng tiêu thụ ure đạt 581.300 tấn, NPK đạt 115.040 tấn.
Phân Bón Cà Mau ứng dụng thành công công nghệ thu hồi CO2 để sản xuất phân bón và thu hồi nhiệt thải để phát điện, giúp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Các sản phẩm Phân Bón Cà Mau không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang 18 thị trường quốc tế, góp phần gia tăng vị thế nông nghiệp Việt trên thị trường thế giới. Đầu năm 2024, Phân Bón Cà Mau đã chính thức xâm nhập sản phẩm vào hai thị trường phân bón khó tính của thế giới là Úc và New Zealand”- chị Phạm Lan Anh chia sẻ.
Phân Bón Cà Mau cũng đang phát triển hệ sinh thái nông nghiệp thông minh với các sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường như NPK thế hệ mới, hữu cơ và vi sinh; xây dựng ứng dụng hữu ích như Trợ lý nông nghiệp 2Nông; triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật trên đa dạng nền tảng giúp nông dân cả nước có thể tiếp cận, từ đó tăng hiệu quả canh tác, bảo vệ tài nguyên đất và nước.
Cùng với đó, thương vụ mua lại (M&A) nhà máy Phân bón Hàn Việt (KVF) và hợp tác phân phối sản phẩm với nhiều đối tác lớn như Tập đoàn Vân Thiên Hóa,… đang mở ra cơ hội mới, nâng sức cạnh tranh của Phân bón Cà Mau trên thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Với tầm nhìn chiến lược và cam kết phát triển bền vững, đồng hành cùng quốc gia trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050, Phân Bón Cà Mau không chỉ thể hiện sự tiên phong của công ty trong ngành phân bón, mà còn khẳng định quyết tâm chung tay với cộng đồng, khách hàng và cả thế giới trong việc kiến tạo một tương lai bền vững hơn, thịnh vượng hơn.
Cà Mau, tháng 10/2024
Lê Kim Liên