Phải đặt người lao động là trung tâm
Khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh minh họa: TTXVN |
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 ập đến, làn sóng người lao động, trong đó đa số là lao động tại các khu công nghiệp – chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ trở lại quê hương…dẫn đến doanh nghiệp bị “khát” lao động trầm trọng. Chính thời điểm này càng thấm thía câu nói của người xưa: “Có an cư mới lạc nghiệp”!
Chúng ta phải thống nhất luận điểm, dù cách mạng 4.0 hiện đại về công nghệ đến mức nào, có cổ phần hóa hay quản trị doanh nghiệp dưới hình thức nào thì người lao động vẫn là chủ thể tạo ra hàng hóa cho xã hội. Người sử dụng lao động (nói theo ngôn ngữ kinh tế chính trị là ông chủ) chỉ là người có vốn sở hữu thành lập ban lãnh đạo để điều hành doanh nghiệp, công ty, còn người lao động mới là chủ thể vận hành đích thực.
Trừ những lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng nơi đa số lao động làm việc theo mô hình “năng suất- tiền lương”, yếu tố nhà (nơi ở) từ đồng lương và thu nhập họ tự lo, còn với lao động làm việc tập trung tại các khu công nghiệp- khu chế xuất, chúng ta không thể mãi áp dụng “mô hình để người lao động tự lo” mãi được.
Trước đây, khi nền kinh tế còn khó khăn, ngay tại Thủ đô Hà Nội, ở đâu có nhà máy (quy mô nhiều lao động) ở đấy đều có khu nhà ở công nhân. Dệt mùng 8/3, thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội… là ví dụ điển hình. Nhờ làm tốt chính sách an sinh mà người lao động yên tâm gắn bó với nhà máy.
Đành rằng, trước đây số lượng nhà máy, xí nghiệp ít, quỹ đất lại quá nhiều nên việc “quy hoạch”, phân đất để làm nhà ở cho công nhân là quá dễ. Còn nay, số lượng các khu công nghiệp nhiều, số nhà máy, doanh nghiệp chỉ trong một khu công nghiệp cũng đã quá lớn, đất đai ngày càng ít, nếu vẫn áp dụng mô hình “nhà ở công nhân” như trước đây là không hợp lý.
Tuy vậy, chúng ta không thể “đổ lỗi” cho số lượng các nhà máy, công ty nhiều, diện tích đất đai ngày một thu hẹp, lại đắt đỏ mà “quên đi” vấn đề nhà ở cho công nhân. Xưa đất đai nhiều, số lượng các nhà máy ít, Nhà nước thực hiện chính sách xây nhà để phân phối (cấp cho) người lao động ở lâu dài. Nay công nhân nhiều, đất đai ít, từ cả chục năm trước Nhà nước đã có chính sách rất rõ ràng: “Xây nhà ở cho công nhân” giống như mô hình ký túc xá sinh viên (khi đến ở doanh nghiệp và người lao động trả tiền thuê với giá phải chăng); khi người lao động về hưu, hoặc chuyển công tác sẽ bàn giao lại để người khác đến thuê. Cạnh đó, còn xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Lao động nào có tích góp sẽ được mua nhà ở xã hội với giá rẻ hơn, Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế lãi suất.
Chủ trương, chính sách rõ như vậy, nhưng một số nơi vì nhiều lý do cả chủ quan, lẫn khách quan trong quá trình thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp lại không tuân thủ quy định dành diện tích đất nhất định để xây nhà ở công nhân hoặc không có cơ chế vốn để triển khai. Doanh nghiệp ỷ lại Nhà nước, một số chính quyền sở tại lại “đá lại” việc triển khai nhà ở công nhân cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Hệ quả, người lao động đa số phải đi thuê ngoài. Lương không cao, lại phải thuê nhà…khi có biến cố ập đến như đại dịch cuộc sống vô cùng khó khăn. Dòng người ly hương về quê bỏ lại phía trong doanh nghiệp khoảng trống lao động mà chưa biết đến bao giờ mới lấp đầy.
Đến giờ, nhiều doanh nghiệp mới thấu hiểu thế nào là tầm quan trọng của lao động. Giá như bên cạnh những nhà máy uy nghi, khu công nghiệp hoành tráng mọc lên những khu chung cư công nhân tối đến lấp lánh ánh đèn, có nhà trẻ cho con em công nhân học… thì chắc dù có đại dịch gì họ vẫn bám trụ nhà máy.
Hy vọng rằng, qua bài học đại dịch Covid-19 lần này và với việc Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi một số điều Luật Xây dựng cũng như chỉ đạo các địa phương phải dành quỹ đất xây nhà ở công nhân, trong thời gian không xa chúng ta hy vọng ở đâu có khu công nghiệp ở đó sẽ có các khu nhà ở công nhân được mọc lên.
Nguồn: Báo lao động thủ đô