Phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân
Người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân
Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, một trong những vấn đề hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, trong đó vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân. “Các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề nêu trên”, đại biểu chất vấn.
Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Mai Khanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) cho biết Bộ Công Thương hiện công khai danh sách các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử. “Xin hỏi việc công khai thông tin này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không và xin Bộ cho biết Bộ đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai?”, đại biểu hỏi.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thương mại điện tử thì Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp thì chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng và thứ ba là thất thu thuế, không thể không thừa nhận là nó còn một tỷ lệ đáng kể.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó là có lĩnh vực thương mại điện tử.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội |
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật, về nghị định hướng dẫn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Dùng công nghệ quản lý
Trả lời chất vấn đối với nội dung liên quan đến sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ quản lý.
Theo Bộ trưởng, phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Giải pháp quản lý không gian mạng gồm thể chế số, công cụ số và con người số – tức là kỹ năng số cho người dân. Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số và kỹ năng số đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số, có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội |
Ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Đáng quan tâm, Việt Nam có thuận lợi đó là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số của ngành có thể giúp Bộ Công Thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… Bởi một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động thay và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.
Theo Bộ trưởng, thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập lưu trữ và xử lý thì ngày càng nhiều, đi kèm với đó là nguy cơ lộ, lọt thông tin, ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội |
Chính phủ đã ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và có lộ trình để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về bảo vệ đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; và các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ Nghị định này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, bảo vệ người dân được coi là một trong những nội dung quan trọng trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung cũng như thương mại điện tử. Bộ đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho trên 5.000 website chính thống. Đồng thời, công bố các website lừa đảo.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như: Kiểm tra xem máy tính, điện thoại di động có bị nhiễm mã độc không; kiểm tra xem thông tin cá nhân có bị lộ lọt hay không; kiểm tra xem một website có phải lừa đảo hay không trên Cổng khonggianmang.vn”, Bộ trưởng cho biết.
Nguồn: Báo lao động thủ đô