Phá vỡ mặt bằng tại cầu Trạm Chay (Hưng Hà, Thái Bình): Trách nhiệm thuộc về ai?

Vì vướng mắc GPMB mà công trình xây mới cầu Trạm Chay đang trở thành nút thắt khiến dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 452 (đường 224 cũ) chưa thể hoàn thành mặc dù thời hạn thực hiện hợp đồng của dự án này đã kết thúc từ tháng 11/2021. Theo phản ánh của người dân sinh sống 2 bên đầu cầu Trạm Chay, cây cầu cũ hiện đã bị dỡ bỏ một phần lớn, phần thi công có rào chắn để xây dựng cầu mới nên ô tô không thể qua cầu, phải quay đầu đi vòng lối khác rất bất tiện; xe máy, xe đạp lưu thông qua cầu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh đó, cây cầu mới tạm dừng thi công đã gần một năm nay, không biết đến bao giờ mới xây xong.
Theo tìm hiểu, phóng viên được biết, vướng mắc lớn nhất tại vị trí cầu Trạm Chay, thuộc về hộ gia đình ông Nguyễn Văn Niệm có diện tích trên 450m2, vốn là diện tích xưởng gỗ của nhà ông Niệm. Do phải dịch chuyển trang thiết bị, máy móc và nhiều nguyên vật liệu nên công tác bàn giao đất gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian dài, Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Hưng Hà đã tiến hành lập biên bản, đền bù giải phóng mặt bằng. Vậy nhưng, khi đã nhận tiền đền bù và di dời nhà xưởng trên diện tích giải phóng mặt bằng, gia đình ông Nguyễn Văn Niệm đã tiến hành nạo vét, đào múc phần đất nền trong phạm vi thực hiện dự án; chiều sâu đào múc khoảng 2,5m so với hiện trạng, ước gần 1.000m3 đất, cát.
Đến ngày 20/5, sau khi phát hiện sự việc, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện cùng với lãnh đạo xã Minh Khai, lực lượng công an xã xuống hiện trường lập biên bản, yêu cầu tạm dừng sự việc trên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, gia đình ông Nguyễn Văn Niệm đã múc gần như toàn bộ đất nền tại phần đất thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Theo những quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Tại khoản 3a, Điều 3, Nghị định số 91 nêu rõ: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó: Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận”.
Hành vi của gia đình ông Nguyễn Văn Niệm đã cho thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật khi cố tình phá vỡ kết cấu mặt bằng trước khi bàn giao cho nhà nước. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao hành động này không được phát giác ngay từ khi gia đình ông Nguyễn Văn Niệm bắt đầu tiến hành hoạt động nạo vét, đào múc phần đất trong phạm vi thực hiện dự án? Có hay không việc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Hưng Hà đồng ý cho gia đình ông Nguyễn Văn Niệm nạo vét, đào múc đất nền? Chi phí phát sinh từ việc san lấp mặt bằng do cá nhân, đơn vị nào chi trả? Trách nhiệm giải quyết hậu quả của việc phá vỡ mặt bằng tại cầu Trạm Chay thuộc về ai?

Công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án. Do đó, quá trình này cần được thực hiện cần công khai, dân chủ, khách quan, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc người dân vô tình hay hữu ý phá vỡ mặt bằng trước khi bàn giao cho địa phương tạo tiền lệ không tốt, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước cũng như ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án. Do đó, huyện Hưng Hà cần có phương án sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc về mặt bằng tại vị trí cầu Trạm Chay nói riêng, các vướng mắc khác trên toàn tuyến nói chung để dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh ĐT.452, đoạn từ ngã tư La đến đường nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam sớm được hoàn thành, bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu