PGS. TS Vũ Minh Khương: Phải coi năng suất là nội dung chiến lược, trọng tâm và chính yếu

Thưa ông, gần đây năng suất của Việt Nam có được cải thiện nhưng so với các nước vẫn còn rất thấp, vậy theo ông cần làm gì để tạo bước đột phá cho năng suất Việt Nam?

Có những bước đi đột phá mà chúng ta phải bắt đầu từ nhận thức về tầm quan trọng của năng suất. Hiện nay, năng suất đối với Việt Nam như “một bệnh hiểm nghèo”, nếu không phấn đấu nhanh, vượt bậc thì không thể trở thành một nước công nghiệp phát triển, như vậy năng suất phải trở thành một trọng tâm chính yếu và căn bản mà nếu không giải quyết được bài toán này thì chúng ta không thể đi đường xa.

Như vậy, đối với kinh nghiệm của Việt Nam khi nhận thức được vấn đề sống còn thường đi được rất nhanh. Vấn đề thứ hai là chiến lược hoạch định để đưa năng suất đi lên, “trục tung” của chúng ta về năng lực, nguồn lực và nỗ lực không phải thấp, tuy nhiên “trục hoành” của chúng ta về thực lực và chiến lược, triển khai nguồn lực vào những lĩnh vực cao nhất thì từ doanh nghiệp đến địa phương đều chưa cao, và chưa phát huy được năng lực của cán bộ đến công nhân viên.

Ngoài ra, về hợp lực, Chính phủ, các doanh nghiệp, địa phương chưa tạo ra một sức mạnh tổng lực, chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng bị phân tán rời rạc. Chính vì vậy, việc cải cách trong thời gian tới là rất quan trọng để tạo nền tảng cho năng suất ở vấn đề thể chế và chiến lược.

Vấn đề thứ ba là, cần một cơ quan chuyên trách về năng suất ở Hội đồng quốc gia để thấy được các vấn đề một cách tổng thể, và bên cạnh đó, có cơ quan thực hiện ở phía dưới có những quỹ đầu tư, quỹ năng suất, có thể đi tất cả các địa phương, doanh nghiệp để hỗ trợ cụ thể.

PGS. TS Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Đại học Quốc gia Singapore. 

Vậy theo ông, đâu là giải pháp chiến lược lâu dài cho năng suất của Việt Nam?

Việt Nam cần lập ra tổ chuyên trách có thể nhìn nhận vấn đề về năng suất và tập hợp tất cả các nguồn lực trong nước và nước ngoài để có thể phân tích một cách tổng thể và hình thành ra một Báo cáo về Năng suất 2023 của Việt Nam, từ đó, hình dung được lộ trình cho từng ngành, từng địa phương làm cách nào để đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Trong năm 2023, tôi hy vọng, trong vòng 6 đến 9 tháng, chúng ta có thể hoàn thành báo cáo năng suất, đồng thời, phía Trung ương và Chính phủ tổ chức cuộc họp có thể đưa ra quyết sách về năng suất.

Hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp chưa được khai thác được hết tiềm năng khi chịu ảnh hưởng về dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Vậy họ cần làm gì để cải thiện vấn đề trên, thưa ông?

Những khó khăn khách quan không bao giờ có thể tránh khỏi. Việt Nam là một trong những quốc gia có “điểm sáng” trong đại dịch, tăng trưởng từ 7,2 đến 8% trong năm 2022 và tăng trưởng trong năm tới 2023 sẽ là 6,5-6,7%, đây là thắng lợi của Việt Nam đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, các tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn chưa dùng hết nguồn lực, và vẫn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, cần cải cách cơ chế hiện nay, nếu không các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ không thể đi được xa và phát huy được cao nhất năng lực của mình.

Trước thềm năm mới, ông có khuyến nghị gì dành cho doanh nghiệp để tăng năng suất lao động cũng như tăng hiệu quả trong kinh doanh?

Việt Nam đang có những thuận lợi rất căn bản. Thế giới nhìn nhận Việt Nam với hy vọng Việt Nam trở thành tấm gương sáng về phát triển thần kỳ trong 3 thập kỷ tới, đó là những thuận lợi rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta biến những kỳ vọng đó thành hiện thực, thành thành quả thì lại là một bài toán rất lớn.

Tôi muốn nhấn mạnh là, phải coi năng suất là một nội dung rất chiến lược, trọng tâm, chính yếu, thay vì chỉ là mở rộng. Ngay từ bây giờ cần chú trọng việc nâng cao, cải biến khả năng sản xuất của mình để tạo nên thực lực và chiến lược. Các doanh nghiệp, tập đoàn cần chú trọng năng suất và tận dụng thời cơ thuận lợi, chú ý hợp lực trong sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Hà My (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích