PGS. TS. Lương Đức Long: “Không để ngành sản xuất VLXD lỡ nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là “bệ phóng” phát triển ngành VLXD
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng và nhà ở đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững, Hội thảo “Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” do Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tổ chức mới đây đã đưa ra được nhiều đề tài thiết thực, phong phú, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và liên tục sản xuất các sản phẩm mới với công nghệ cao.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định ngành VLXD đang đứng trước những khó khăn chưa từng có khi giá thành tăng quá cao đương lúc nguồn cung còn hạn chế.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc lập mới quy hoạch khoáng sản làm VLXD thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển theo xu hướng kinh tế tuần hoàn để vừa giảm tiêu hao năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.
Ở phần trình bày bài tham luận với chủ đề “Không để ngành sản xuất vật liệu xây dựng lỡ nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết, sản xuất VLXD chính là một ngành công nghiệp. “Nhìn lại quá trình phát triển, nền sản xuất công nghiệp đã trải qua 3 cuộc cách mạng. 3 “cột mốc” này lần lượt được đánh dấu bằng việc phát minh ra máy hơi nước; sử dụng điện/ điện khí hóa trong sản xuất công nghiệp; sự trỗi dậy của máy tính và việc internet ra đời. Giờ đây, chúng ta đang triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có nhiều thành tố đã hội tụ lại để cùng đưa ngành công nghiệp lên một tầm cao mới. Các thành tố đó bao gồm: Dữ liệu lớn (big data); mô phỏng (simulation); điện toán đám mây (cloud computing – CC); công nghệ thực tế ảo (virtual reality – VR); robot tự hành (autonomous robots – AR); internet of things (IoT); hệ thống vật lý mạng (cyber – physical system); internet of services (IoS); sản xuất phụ trợ.
Soi chiếu những thành tố trên ứng vào ngành công nghiệp sản xuất VLXD sẽ thấy được rõ vai trò to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã “in dấu chân” trong từng công đoạn của quá trình sản xuất. Kể cả những công đoạn cơ bản như khai thác nguyên liệu, gia công và đồng nhất nguyên liệu hay chế tạo sản phẩm…
Đơn cử như việc trong một doanh nghiệp sản xuất VLXD thì ngoài việc sản xuất còn cần phải mua vật tư, phụ tùng phục vụ cho các hoạt động sản xuất, bảo trì, sửa chữa thiết bị, chưa kể đến khâu vận chuyển (logistics), bán hàng…
PGS. TS. Lương Đức Long nhận định sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động trong doanh nghiệp đều được số hóa thành dữ liệu để tạo big data.
“Việc tạo big data chỉ là việc làm ban đầu vì thông tin chỉ có giá trị thực khi chúng được phân tích và đưa ra các quyết định”, ông Long nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phân tích thông tin để đi đến hành động đối với các doanh nghiệp.
Để ngành sản xuất VLXD không “lỡ nhịp” trong “bản nhạc” 4.0
Nhận thức được tầm quan trọng đã là một “bước tiến lớn” nhưng hành động như thế nào mới là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trước sự phát triển như vũ bão của thời đại mới.
Bàn luận về giải pháp thực thi tại hội thảo, PGS. TS. Lương Đức Long đã vạch ra 2 “nấc thang” để có thể ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ngành sản xuất VLXD.
Thứ nhất, chuyển đổi số phải là bước đi đầu tiên để đặt nền móng vững chãi cho việc sản xuất VLXD trong thời đại 4.0. Hiểu một cách đơn giản, điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần phải chuyển toàn bộ thông tin, dữ liệu liên quan từ khai thác mỏ, cung ứng vật tư, phụ tùng, sản xuất, logistic, bán hàng, quản lý, điều hành, công tác lập kế hoạch, tổ chức, nhân sự… thành các tín hiệu số để máy tính có thể đọc được, lưu trữ, quản lý, xử lý, chuyển từ nơi này đến nơi khác thông qua kết nối internet.
Ông Long đã nêu lên thực trạng hiện nay, hầu hết các sản phẩm VLXD chủ yếu của Việt Nam đều tham gia xuất khẩu. Do đó, hội nhập là nhu cầu bắt buộc.
“Trước đây, tính cạnh tranh của VLXD chỉ thể hiện ở chất lượng và giá bán nhưng ngày nay, người mua hàng quan tâm đến cả trình độ sản xuất, sự phát thải ô nhiễm trong quá trình sản xuất, điều kiện lao động và trình độ quản lý của đơn vị sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu VLXD cần quan tâm đến cả những yếu tố này để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”, ông Long nhấn mạnh với các doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng nhắc lại việc Chính phủ Việt Nam đã có “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.
Theo chương trình này, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: Xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động” chính là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi.
Như vậy, việc chuyển đổi số sẽ giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, thay đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường… Qua đó, giúp các doanh nghiệp tăng “sức đề kháng” để thích ứng với thời cuộc.
Thứ hai, là việc áp dụng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong các doanh nghiệp VLXD. Việc áp dụng này phải được tiến hành một cách toàn diện. Từ công tác quản lý, công tác khai thác mỏ và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, vận hành dây chuyền sản xuất VLXD đến khâu bảo trì, sửa chữa và thay thế.
Bên cạnh các bước quen thuộc thì cũng cần phải áp dụng cả những thành tựu mới mẻ. Đơn cử như việc sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo thiết bị, phụ tùng thay thế. “Hiện nay, trong ngành VLXD đã có một số đề tài nghiên cứu sử dụng công nghệ in 3D để in sản phẩm như in gốm, in bê tông… Tuy nhiên, in chi tiết, phụ tùng thay thế trong dây chuyền công nghệ sản xuất VLXD thì chưa có đơn vị nào triển khai”, ông Long chia sẻ những quan sát cá nhân.
Ngoài ra, ông Long cũng chỉ rõ những nội dung về mô hình hóa (simulation), robot tự hành (autonomous robots), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR – virtual/AR – augmented reality), internet dịch vụ (internet services) cũng là những vấn đề có thể áp dụng trong ngành sản xuất VLXD.
“Đây là những vấn đề phức tạp, tuy nhiên chúng có tính phổ biến tương đối cao. Hiện nay, trong ngành xây dựng, đã có một đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế công trình biển tại TP.HCM áp dụng thành công mô hình hóa và công nghệ thực tế ảo cho việc khảo sát, thiết kế, giám sát công trình”, ông Long cho hay.
Không khí hội thảo diễn ra sôi nổi và đã đưa ra được nhiều đề tài thiết thực, phong phú, mang tính thực tiễn cao. (Ảnh: Hà Trang)
Có thể thấy, ngành công nghiệp sản xuất VLXD của Việt Nam là một ngành sản xuất cơ bản, cung cấp các sản phẩm quan trọng cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tham gia xuất khẩu. Việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành bền vững, có sức cạnh tranh và phù hợp với xu hướng của thời đại. .
PGS. TS. Lương Đức Long tổng kết bài tham luận với việc nhấn mạnh mục tiêu phải làm sao để ngành công nghiệp VLXD của nước ta không lỡ nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần suy nghĩ, lựa chọn nội dung và triển khai áp dụng ngay những nội dung phù hợp với doanh nghiệp của mình. Bởi nếu chậm trễ, sự tụt hậu của chúng ta sẽ ngày càng nhanh hơn./.