Paris tham gia tẩy chay World Cup 2022 trên màn ảnh rộng vì yêu sách nhân quyền
Paris tham gia tẩy chay World Cup 2022 trên màn ảnh rộng vì yêu sách nhân quyền
Paris sẽ không phát sóng các trận đấu World Cup trên màn hình khổng lồ ở các khu vực công cộng dành cho người hâm mộ trong bối cảnh lo ngại về vi phạm quyền của người lao động nhập cư và tác động môi trường của giải đấu ở Qatar
Chính quyền thủ đô nước Pháp phản đối cách Qatar tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cả về phương diện môi trường lẫn các vấn đề xã hội.
Quyết định do ông Pierre Rabadan – Phó thị trưởng Paris phụ trách thể thao công bố có nghĩa là nó tuân theo các động thái tương tự của các thành phố khác của Pháp, mặc dù quốc gia này đang là đương kim vô địch.
Ông Rabadan nhấn mạnh rằng Paris không tẩy chay giải đấu, nhưng giải thích rằng “mô hình dàn dựng các sự kiện lớn của Qatar đi ngược lại những gì (Paris, chủ nhà của Thế vận hội 2024) muốn tổ chức”.
Trước đó, một loạt thành phố lớn của Pháp như Marseille, Bordeaux, Lille cũng quyết định không phát các trận đấu tại World Cup 2022 trên màn hình lớn.
Thị trưởng Strasbourg, nơi đặt trụ sở của Nghị viện châu Âu và Tòa án Nhân quyền châu Âu, viện dẫn những cáo buộc về việc lạm dụng nhân quyền và bóc lột người lao động nhập cư ở Qatar là lý do hủy bỏ các chương trình phát sóng công khai World Cup.
Jeanne Barseghian nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi không thể bỏ qua nhiều cảnh báo về việc lạm dụng và bóc lột lao động nhập cư của các tổ chức phi chính phủ.”Chúng ta không thể dung túng cho những lạm dụng này, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ khi nhân quyền bị vi phạm.”
Arnaud Deslandes, Phó thị trưởng thành phố Lille, cho biết bằng việc hủy xem công khai các trận đấu, thành phố phía bắc muốn gửi thông điệp tới FIFA về những thiệt hại không thể khắc phục của giải đấu Qatar đối với môi trường.
World Cup 2022 sẽ khai màn vào ngày 20/11, kéo dài đến 18/12. Lần đầu tiên, một kỳ World Cup không được tổ chức ở mùa hè. Thay vào đó, nước chủ nhà dời lịch sang tháng 11 để tránh tình trạng nắng nóng ở Tây Á. Thay đổi lớn này khiến các giải vô địch quốc gia tại châu Âu bị xáo trộn lịch thi đấu.
Qatar hứng làn sóng chỉ trích ngay từ khi giành quyền đăng cai World Cup 2022. Trong lần đầu tiên tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, Qatar phải xây mới một loạt sân vận động và cơ sở hạ tầng. Báo chí châu Âu đã tố Qatar sử dụng lao động nhập cư ồ ạt với điều kiện lao động thiếu an toàn, khắc nghiệt, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.
Qatar cũng quyết liệt không kém trong việc bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và liên tục bác bỏ các cáo buộc rằng sự an toàn và sức khỏe của 30.000 công nhân xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup đã bị đe dọa.
Qatar cũng cho biết họ lưu tâm đến các mối quan tâm về môi trường và đã cam kết bù đắp một phần khí thải carbon từ các sự kiện World Cup thông qua việc tạo ra các không gian xanh mới được tưới bằng nước tái chế và xây dựng các dự án năng lượng thay thế.
Hải Sơn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị