Paris quy hoạch hạ tầng giao thông thế nào để trở thành “thành phố thân thiện với xe đạp nhất thế giới” vào năm 2026?

Thêm vốn đầu tư vào hạ tầng dành cho xe đạp

Tháng 10/2021, chính quyền thành phố Paris đã thông báo họ sẽ đầu tư 250 triệu Euro để nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng mạng lưới các làn đường dành cho xe đạp. Mục tiêu của Paris là xe đạp có thể di chuyển tại 100% các tuyến đường của thành phố. 

Chính quyền Thủ đô Pháp sẽ sử dụng số tiền đầu tư thông qua dự án Bike Plan, một dự án đô thị kéo dài 5 năm nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng xe đạp, cung cấp các tuyến đường kết nối an toàn cho người đi xe đạp và người đi bộ.

Từ nay đến năm 2026, thành phố sẽ mở rộng các tuyến đường và thêm 180km làn đường cố định mới dành cho xe đạp. Số lượng bãi đỗ xe đạp cũng sẽ tăng gấp 3 lần, với khoảng 180.000 chỗ thay vì 60.000 như hiện tại. Thành phố cũng sẽ đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực liên kết giữa nội đô và ngoại thành, đồng thời kết hợp với các khu vực tàu điện ngầm sẵn có. 

paris, xe đạp paris, thành phố xe đạp
Bản đồ quy hoạch đường dành cho xe đạp giai đoạn 2021 – 2016 của thành phố Paris. Nguồn: City of Paris

Các kế hoạch mở rộng hạ tầng dành cho xe đạp được đưa ra sau khi phần lớn cư dân Paris thay đổi phương tiện di chuyển thành xe đạp trong thời kỳ đại dịch. Hiện nay, thành phố này ghi nhận ​​gần 1 triệu hành trình bằng xe đạp mỗi ngày mà không có cơ sở hạ tầng thích hợp để đáp ứng khi nhu cầu ngày càng gia tăng. 

Phần lớn làn đường dành cho xe đạp hiện nay ở Paris đều là các làn đường dùng chung cho cả ô tô và xe máy. Phân cách giữa những làn đường này là vạch kẻ đường bằng sơn thay vì dải phân cách vật lý, do đó dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm giữa các phương tiện. 

Bên cạnh xây dựng hạ tầng và các chính sách mới cho người đi xe đạp, thành phố cũng cam kết đảm bảo an toàn cho người đi bộ bằng cách tăng cường thêm nhiều quy tắc lái xe đường bộ, đồng thời tăng số lượng cảnh sát hoạt động tại các điểm giao thông. 

paris, xe đạp paris, thành phố xe đạp
Ảnh: Bloomberg 

Với những lo ngại về ô nhiễm do ô tô có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về sức khỏe, hồi tháng 5/2020, Thị trưởng Paris – bà Anne Hidalgo đã công bố kế hoạch khuyến khích sử dụng làn đường dành cho xe đạp và xe buýt. 

Paris đã thay thế 50km đường dành cho ô tô và thêm 30 tuyến phố trở thành đường dành cho người đi bộ từ năm ngoái. Những kế hoạch được triển khai nằm trong nỗ lực chống ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông trong thời kỳ mở cửa hậu đại dịch.

xe đạp, paris, xe đạp đô thị
Đại lộ Champs – Élysées, Pháp trở thành phố đi bộ trong ngày “Không ô tô” (Nguồn: VOV)

Xe đạp sẽ trở thành phương tiện giao thông phổ biến tại châu Âu

Hiện nay, các thành phố trên khắp châu Âu đã triển khai cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp trong nhiều dự án quy hoạch đô thị. 

Được biết đến là một trong những thành phố thân thiện với xe đạp nhất trên thế giới, Amsterdam (Hà Lan) sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp trong phạm vi đô thị. Vào năm 2019, thành phố đã đưa ra một kế hoạch mới cho năm 2022 đó là tập trung vào việc cải thiện các bãi đỗ xe đạp và cơ sở hạ tầng hiện có. 

Thành phố này đang nỗ lực tạo ra các tuyến đường mới và mở rộng các đường đua xe đạp. Các giao lộ chính cũng được thiết kế lại để đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp. 

paris, xe đạp, thành phố xe đạp
Cầu Lex van Delden, Amsterdam. Ảnh: Arjen Schmitz

Một thành phố châu Âu khác mới đây cũng đã chuẩn bị thực hiện những dự án quy hoạch hạ tầng dành cho xe đạp là thành phố Berlin (Đức). Mặc dù Berlin không đứng đầu trong danh sách các thành phố thân thiện với xe đạp của châu Âu nhưng thành phố này cũng đang thực hiện một kế hoạch mới về “siêu xa lộ” dành cho xe đạp, thúc đẩy đi xe đạp như một phương tiện giao thông hiệu quả. 

Được ủy quyền bởi Bộ phận Môi trường, Giao thông và Bảo vệ Khí hậu của Thượng viện Berlin, dự án này đã đề xuất sử dụng 30 con đường chỉ dành cho xe đạp xung quanh thành phố, trong đó 12 đường đã được chấp thuận để tách biệt hoàn toàn với các phương tiện giao thông khác. Những sáng kiến ​​phát triển xe đạp là một trong những nỗ lực gần đây của Berlin nhằm tạo ra một môi trường giao thông không rủi ro bằng cách tăng số lượng xe đạp vận hành lên 2,4 triệu xe vào năm 2025.

Ngay tại Pháp, bên cạnh Paris, thành phố Strasbourg từ lâu đã đưa xe đạp vào quy hoạch đô thị với việc khuyến khích cư dân sử dụng xe đạp thay vì ô tô. Đây được coi là “thành phố xe đạp” đầu tiên của Pháp. Từ năm 2020, thành phố này đã xem xét thay thế phương tiện chở hàng bằng xe đạp và mở rộng các tuyến đường cao tốc quanh khu vực nội đô dành cho loại phương tiện này. 

pháp, thành phố xe đạp, xe đạp
Xe đạp là phương tiện phổ biến tại thành phố Strasbourg. Nguồn: Copenhagenize Design Company

Vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải toàn cầu đã trở thành vấn đề nóng hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Trong hội nghị COP26, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu EU đã ký cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030. Đồng thời, COP26 cũng ghi nhận sự kiện 105 quốc gia trên toàn thế giới đã ký kết Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu – do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng nước chủ nhà Anh dẫn dắt, đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020. 

Do đó, việc khuyến khích sử dụng xe đạp thay thế ô tô của các thành phố châu Âu có thể xem như một hành động thực tế trong chuỗi nỗ lực giảm phát thải khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu lớn về chống biến đổi khí hậu, cần nhiều hơn những biện pháp cải thiện môi trường và bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời giảm tác động tiêu cực của con người đến môi trường tự nhiên trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện chứ không chỉ là giao thông vận tải./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích