Ông Trịnh Văn Quyết ước tính tài sản cá nhân đủ để khắc phục hậu quả

Cuối giờ chiều 23/7, trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC khai bị cáo có tham vọng phát triển Công ty Faros thành công ty lớn mạnh trong lĩnh vực xây dựng, đủ sức thực hiện các dự án nội bộ tại Tập đoàn FLC và bên ngoài. Cho tới khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bị cáo cơ bản đã thực hiện được ý tưởng này.

Theo bị cáo Quyết, sau khi mua lại Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), Công ty này đã thực hiện các dự án trong hệ thống của Tập đoàn FLC. Trong đó, Công ty Faros đã thi công nhiều công trình rộng hàng ngàn ha và các tòa tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Ông Trịnh Văn Quyết ước tính tài sản cá nhân đủ để khắc phục hậu quả
Bị cáo Trịnh Văn Quyết mong muốn được tạo điều kiện dùng số tài sản bị phong tỏa, kê biên để khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, Công ty Faros còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như xây dựng công viên văn hóa chủ đề “ấn tượng Hội An” (nhà hát biểu diễn ngoài trời hơn 3.360 chỗ ngồi và nhà hát biểu diễn trong nhà 1.000 chỗ ngồi tại tỉnh Quảng Nam); xây dựng khu đô thị ở Đà Nẵng.

Công ty Faros là tâm huyết của bị cáo, từ khi mua lại Công ty Faros, bị cáo chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu, lúc nào cũng muốn giữ cổ phiếu và mua thêm. Tuy nhiên, thời điểm năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bị cáo gặp khó khăn về tài chính nên mới phải bán cổ phiếu của Công ty Faros. Trong suy nghĩ và kế hoạch của mình, bị cáo mong bán ra rồi sẽ mua lại nhưng chưa thực hiện được việc mua lại thì bị bắt vào năm 2022.

Trong khi đó, đại diện Công ty Faros cho hay, trước và sau giai đoạn bị cáo Quyết bị bắt, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, hiện vẫn là tổng thầu các công trình cho Tập đoàn FLC. Song mã ROS của Công ty đã bị đình chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 8/2022 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Trịnh Văn Quyết khai, dù bán cổ phiếu ROS với giá 2.000 đồng nhưng tin tưởng Công ty đang rất tốt, cả hệ thống vận hành tốt, làm chủ các dự án quy mô lớn. Theo thông tin từ bị cáo Quyết, tài sản của bị cáo vẫn đang được thế chấp cho các khoản vay của Công ty Faros, chưa tất toán và ngoài các tài sản này không còn gì khác.

Về trách nhiệm dân sự lên tới 4.300 tỷ đồng cho cả 2 tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng quy kết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho rằng nếu bị Hội đồng xét xử tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân đang bị phong tỏa, kê biên của mình (ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng) để khắc phục.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết mới được cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản “tâm huyết” là hãng hàng không Bamboo Airways và trước mắt đã thu được gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Số tiền 500 tỷ đồng tiếp theo nhận từ việc bán Hãng hàng không Bamboo Airways, cũng sẵn sàng nộp để khắc phục hậu quả vụ án.

Trước đó, trình bày tại Toà, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ Trịnh Văn Quyết) cho biết, tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của hai vợ chồng. Nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số ngân hàng.

“Tôi đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả, vì mong muốn của anh Quyết trong suốt quá trình bị tạm giam là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này”, bà Diệp trình bày.

Cũng theo vợ của bị cáo Trịnh Văn Quyết, những tài sản bị phong tỏa, kê biên và tài sản thế chấp ngân hàng đã được gửi hồ sơ cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Do đó, bà không thể biết chính xác.

Bà Diệp cho biết, tính đến ngày 23/7, gia đình thực hiện mong muốn của bị cáo Quyết, tiếp tục huy động và vay mượn để nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng. Trước khi phiên toà diễn ra, bà Diệp đã thay mặt chồng nộp thêm 23 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án gần 240 tỷ đồng.

Mộc Thanh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích