Ông Huỳnh Uy Dũng chấm dứt chuyển nhượng KDC Đại Nam cho Vinasing

Ông Huỳnh Uy Dũng chấm dứt chuyển nhượng KDC Đại Nam cho Vinasing

Hải Bình –  Thứ ba, 27/09/2022 17:21 (GMT+7)

Do Vinasing Group không thực hiện đúng các điều khoản theo hợp đồng, ông Huỳnh Uy Dũng đã quyết định chấm dứt thương vụ chuyển nhượng KDC Đại Nam cho công ty này.

Liên quan vụ ông Huỳnh Uy Dũng chuyển nhượng một phần Khu dân cư Đại Nam cho Công ty Cổ phần Vinasing Group (Vinasing), trưa 27/9, trả lời báo chí ông Võ Kim Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, thương vụ đã chấm dứt do Vinasing không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng.

“Cái này trước là hợp đồng ghi nhớ, nhưng sau đó Vinasing Group không thực hiện các điều khoản theo hợp đồng nên chúng tôi đã ra thông báo hủy bỏ hợp đồng ghi nhớ đó”, ông Võ Kim Thanh thông tin.

Các điều khoản mà Vinasing Group không thực hiện, theo ông Thanh là việc đóng 100 tỷ đồng tiền đặt cọc cho Công ty TNHH MTV Tân Khai, chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đại Nam.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tân Khai đã ký hợp đồng ghi nhớ về việc chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Đại Nam (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho Vinasing Group (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội). 

Thương vụ chuyển nhượng này bao gồm: 219.999,9m2 đất ở (1.122 nền); 11.218,5m2 đất thương mại dịch vụ;  96.707,6m2 đất xây dựng nhà ở xã hội. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này hơn 2.434 tỷ đồng. Trong đó, riêng đất ở giá trị hơn 1.979 tỷ đồng (tương đương 9 triệu đồng/m2).

Được biết, Vinasing Group do ông Lê Minh Thơ là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Đây là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính về lĩnh vực môi trường. 

Còn nhớ vào năm 2018, tòa soạn Môi trường và Đô thị đã có loạt bài phản ánh tình trạng vi phạm một số quy định về Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ khi lắp đặt biển quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ ở Hà Nội của Công ty Vinasing.

Cụ thể, ngày 18/5/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 2856/QĐ-UBND về chủ trương cho Công ty Vinasing đầu tư xây dựng 1000 nhà vệ sinh công cộng thông minh phục vụ cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đổi lại đó, Vinasing được quyền khai thác quảng cáo trong vòng 10 năm trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ do Sở GTVT Hà Nội quản lý.

Tiếp theo đó, trong công văn số 1497/SGTVT-QLKCHTGT ngày 22/3/2018, Sở GTVT Hà Nội đã thống nhất danh mục cầu vượt đi bộ do Sở quản lý để báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội cho phép Công ty Vinasing lắp đặt biển quảng cáo trên 45 cầu vượt dành cho người đi bộ.

Về hình thức lắp đặt biển quảng cáo trên hệ thống 45 cầu vượt dành cho người đi bộ này, trong công văn số 183/SGTVT-QLKCHTGT, ngày 9/1/2018 của Sở GTVT Hà Nội đã quy định rõ “Việc lắp đặt biển quảng cáo tại mặt phía ngoài cầu đi bộ phải đảm bảo: an toàn giao thông, không che khuất tầm nhìn biển chỉ dẫn, biển báo tĩnh không của cầu, đèn tín hiệu giao thông và tuyến xe bus nhanh BRT 01 (Kim Mã – Yên Nghĩa)…màu sắc của quảng cáo không được làm mờ biển chỉ dẫn giao thông, đèn tín hiệu giao thông phù hợp với cảnh quan đô thị và tổng thể hình thức cầu vượt”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên hiện có 2 biển lắp quá lan can cầu là biển quảng cáo trên cầu vượt Trần Duy Hưng và Đào Duy Anh; cầu vượt Trần Duy Hưng với diện tích là 39m2 (ngang 3m, dài 13m) đảm bảo về diện tích dưới 40m2 nhưng biển quảng cáo vượt lan can cầu. Cầu vượt Đào Duy Anh với diện tích 35m2 (ngang 3.5m, dài 10m), biển quảng cáo cũng vượt lan can cầu. 

Xem lại các bài viết về Vinasing tại đây: 

Bài 1: https://www.moitruongvadothi.vn/ha-noi-du-an-doi-quang-cao-lay-nha-vscc-lo-nhieu-sai-pham-bai-1-a32443.html

Bài 2: https://www.moitruongvadothi.vn/ha-noi-ai-dang-bao-che-cho-nhung-sai-pham-cua-vinasing-bai-2-a32624.html

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích