Ông Giám đốc thích làm việc nghĩa
Ông cha ta xưa đã có câu “Ăn nhạt mới biết thương đến mèo”. Phải chăng từ cõi chết trở về chính cuộc đời và môi trường sống đã tạo ra hướng đi đó cho Nguyễn Văn Dũng..?
CCB-TB. Nguyễn Văn Dũng (bên trái) tặng quà, tri ân đồng đội và thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày TB-LS 27/7. Ảnh: Duy Hiển
Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1966, quê Vĩ Dạ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Sau khi tốt nghiệp THPT, tháng 2-1987, ông lên đường nhập ngũ, về Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Sau một thời gian huấn luyện tân binh và huấn luyện nghiệp vụ thông tin liên lạc, ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch CQ-88, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, tại quần đảo Trường Sa. Hơn 6 năm công tác trong quân ngũ, do vết thương quá nặng (tổn thất 61% sức khỏe – xếp hạng thương binh 2/4) nên năm 1993 ông Dũng được Quân đội cho về phục viên.
Trở về với cuộc sống đời thường, tạo lập cuộc sống, với thương tật 61%, Nguyễn Văn Dũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ông Dũng chia sẻ: “Khi ấy, ngoài hai bàn tay trắng, tôi chỉ có chút phụ cấp thương tật ít ỏi, không đủ trang trải hằng ngày. Tìm việc làm với tôi thật gian nan, vì cứ trở trời là những vết thương tái phát hành hạ. Những lúc như thế tôi thường nghĩ về đồng đội: Người thì gửi xác nơi biển cả, người thì thương tật đầy mình, thậm chí có người con còn bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin… Lúc này tôi chỉ muốn làm gì để có tiền hỗ trợ cho họ và gia đình họ.., để giảm bớt khó khăn? Và chính đây là nguồn sức mạnh, động lực để tôi phấn đấu vươn lên sau này. Song, khổ nỗi, lúc này việc đi lại của tôi cũng hết sức khó khăn, trong khi quê hương chỉ có những nghề lao động nặng nhọc, như làm rẫy, đi biển… Thế rồi, tôi quyết định trở lại vùng đất Vĩnh Hòa – Nha Trang, nơi đã gắn bó với tôi một thời khi còn hoạt động ở Vùng 4 Hải quân để lập nghiệp…”.
Thời gian đầu, thương binh (TB) Nguyễn Văn Dũng tập xách nước từ ít đến nhiều, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu để hồi phục sức khỏe và khôi phục bản năng sống. Mặc dù có nghị lực vượt khó, song cái chân bị thương của ông vẫn không chịu nghe theo sự chỉ đạo của cái đầu. Chính vì thế mà ông đã “mò mẫm” xuống vùng hoang sơ (nay là tổ 14 Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang) này tập để tìm lại cảm giác cho đôi chân và khai khẩn.
Khu vực này lúc đó toàn rừng rậm, may nhờ có sự giúp đỡ và động viên của một số anh em bộ đội phục viên, xuất ngũ về địa phương nên ông Dũng đã dần tạo dựng được một chỗ để trú ngụ.
Hàng ngày thấy bà con chài lưới neo đậu nơi đây bán hải sản, ông Dũng cũng học và làm theo. Do tin tưởng và thương tình nên bà con ngư dân đi biển về có hải sản (tôm, cua, cá,…) đều dành cho ông một ít để bán, mặc dù chưa đủ tiền để thanh toán. Dần dần ông Dũng cũng có đồng ra đồng vào và biết được cách kinh doanh. Thế là chỉ sau một thời gian, ông Dũng cũng cho ra đời được một quán nhỏ phục vụ cho khách thích sinh thái hoang sơ.
Do chưa quen với nghề kinh doanh và lại chưa có trình độ quản lý, nên việc tính toán ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nên ông Dũng bắt đầu đi học. Đầu tiên là học vi tính văn phòng. Nhờ có chuyên môn thông tin trong quân đội nên việc học vi tính của ông cũng nhanh. Sau đó, ông học kế toán, rồi dành thời gian học đại học tại chức quản trị kinh doanh (vừa làm vừa đi học ở TPHCM). Tâm nguyện của ông Dũng là đi học không phải chỉ để lấy bằng mà lấy kiến thức phục vụ cho quản lý, kinh doanh.
Với tư duy chịu khó tính toán, đổi mới, chọn lựa mô hình kinh doanh phù hợp với tiến trình phát triển và xu thế hội nhập của đất nước và trình độ quản lý của doanh nghiệp nên chỉ trong một thời gian, TB Nguyễn Văn Dũng đã đưa một quán nhỏ thành Hộ kinh doanh cá thể (vào tháng 11/2003), rồi phát triển thành doanh nghiếp tư nhân (tháng 7/2004) và trở thành Công ty TNHH Dịch vụ – Du lịch Sinh thái Thiên Phước (từ tháng 02/2014); Và tháng 12/2019 trở thành Hội viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của TB và NKT Việt Nam. Tuy vậy, đôi chân của ông vẫn gặp nhiều khó khăn và chiếc nạng gỗ vẫn là bạn đồng hành. Mãi đến năm 2018, CCB Nguyễn Văn Dũng được một bác sĩ nước ngoài phẫu thuật, điều trị, ông mới rời bỏ hẳn chiếc nạng gỗ.
“Ý chí và nghị lực của anh Dũng thật phi thường. Dù tỷ lệ thương tật là 61%, song anh vẫn vượt lên hoàn cảnh để rèn luyện, học tập, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là tình cảm, sự giúp đỡ anh dành cho đồng đội, những hoàn cảnh khó khăn”. Đó là lời chia sẻ của CCB Nguyễn Đức Khôi, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa – Người đã có thời gian công tác cùng CCB Nguyễn Văn Dũng ở Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân).
CCB-TB. Nguyễn Văn Dũng cùng đồng đội thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Võ Đình Tuấn ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Duy Hiển
Ngay từ năm 1995, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng TB Nguyễn Văn Dũng đã bắt đầu giúp đỡ đồng đội, các gia đình nghèo ở địa phương. Sau đó, vào những dịp kỷ niệm Ngày TB-LS, Tết Nguyên đán hay những khi xảy ra thiên tai, ông đi đến các địa phương khác để giúp đỡ đồng đội ở Trường Sa. Việc làm này được TB Nguyễn Văn Dũng duy trì đều đặn gần 30 năm qua với số tiền ông giúp đỡ khoảng 100 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 2021, TB Nguyễn Văn Dũng đã tặng 1.100 ấn phẩm và sổ tay cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa; tặng quà cho thanh niên nhập ngũ; ủng hộ sửa chữa nhà và phụng dưỡng mẹ liệt sĩ có con hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma; chăm sóc và tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin; bảo đảm kinh phí, tổ chức gặp mặt truyền thống bạn chiến đấu; ủng hộ các quỹ khuyến học, khuyến tài; tặng quà người nghèo, già cả cô đơn, trẻ mồ côi, tàn tật… Tổng số tiền mà ông dành cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện 5 năm qua là 1,173 tỷ đồng.
Trân trọng trước sự nỗ lực vượt khó, giàu tính nhân văn của người đồng đội cũng là lính Hải quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Khánh Hòa – Nguyễn Xuân Thùy đã nói: “Mặc dù doanh nghiệp của anh Dũng không lớn, nhưng đã góp phần tạo nên diện mạo đẹp của ngành dịch vụ du lịch của Nha Trang – Khánh Hòa; doanh thu của doanh nghiệp chưa nhiều, nhưng anh đã sẵn lòng sẻ chia cùng đồng đội, những đối tượng chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…”.
Cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Thông tin nghe CCB-TB. Nguyễn Văn Dũng (mặc áo trắng) kể chuyện truyền thống. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Nguyễn Duy Văn, Trưởng ban Kinh tế, Hội CCB tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Mặc dù doanh nghiệp của CCB Nguyễn Văn Dũng không phải là doanh nghiệp lớn, song hơn cả là sự tâm huyết trong công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, nhất là với những gia đình thương binh, liệt sĩ, từng công tác, chiến đấu ở quần đảo Trường Sa. Năm nào CCB Nguyễn Văn Dũng cũng dành nhiều phần quà tri ân đồng đội…”.
CCB tỉnh Khánh Hòa nói chung, CCB phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang nói riêng đều có chung một suy nghĩ: Nếu UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước thuê 15.380,1m2; trong đó có 11.346,5m2 mặt nước và 4.003,6m2 mặt đất… để triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước như hồ sơ Dự án mà Công ty đã lập năm 2009, thì đến nay diện mạo ngành dịch vụ du lịch của Nha Trang – Khánh Hòa nói chung và công ty Thiên Phước nói riêng đã khác hẳn bây giờ, số tiền nộp ngân sách của công ty cũng như số tiền mà công ty trích ra để làm công tác xã hội lớn gấp nhiều lần như hiện tại.
Mặc dù sự việc đã rõ ràng, song không hiểu vì sao đến lúc này Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước vẫn không được thuê địa điểm (mặt đất, mặt nước) do chính bản thân mình khai phá, đầu tư công sức, tiền của và hiện đang khai thác sử dụng vào kinh doanh. Đã đến lúc, UBND tỉnh Khánh Hòa sớm vào cuộc xem xét, giải quyết nguyện vọng, quyền lợi của CCB – TB Nguyễn Văn Dũng. Các cơ quan chức năng của địa phương cần thực thi pháp luật về đất đai một cách công minh; đồng thời thực hiện nghiêm Pháp lệnh NCC với Cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, tránh để tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đối tượng chính sách./.
Năm 2008, CCB-TB Nguyễn Văn Dũng vinh dự được trao tặng Cúp vàng Doanh nhân, CCB xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời mở cửa và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Liên tục từ năm 2016-2020, CCB Nguyễn Văn Dũng được công nhận là Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh; được Thủ tướng Chính phủ, Thường trực T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều tổ chức khác tặng Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm 76 năm Ngày TB-LS (27-7-1947 / 27-7-2023) và vinh danh các tập thể, cá nhân thương binh tiêu biểu do Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam tổ chức, TB Nguyễn Văn Dũng là một trong 70 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội. |
Nguồn: hoanhap.vn