Ô nhiễm không khí có thể gây ra tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh

Cụ thể, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hebrew ở Jerusalem đã phân tích dữ liệu của 84 nghiên cứu trên toàn cầu và cho rằng cần phải có những quy định nghiêm ngặt hơn về ô nhiễm không khí để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em.

Theo nghiên cứu, có mối liên quan giữa nồng độ bụi mịn PM 2.5, chỉ số chính về ô nhiễm không khí, và khả năng trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, tình trạng thường liên quan đến nhiều biến chứng khác như bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề về phát triển.

Nghiên cứu cho rằng chất lượng không khí có tác động lớn đến quá trình phát triển của thai nhi, cho thấy cần phải có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí nghiêm ngặt hơn, nhất là ô nhiễm không khí do bụi mịn từ hoạt động vận tải và công nghiệp. Nghiên cứu cũng phản ánh sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực về tác động của ô nhiễm không khí đối với sự phát triển của thai nhi, cho thấy cần phải có các biện pháp tiếp cận phù hợp để giám sát và giảm thiểu ô nhiễm không khí ở cấp địa phương.

Trước đó, theo Báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu 2020 do Viện Ảnh hưởng Sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ (IHME) tại Đại học Washington (Mỹ) và Đại học British Columbia (Anh) thực hiện, công bố năm 2020 cho biết: Ô nhiễm không khí khiến gần 500.000 trẻ sơ sinh tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019; 6,7 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí năm 2019. Hiện nay, đây là rủi ro sức khoẻ cao thứ 4 trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy có rất ít hoặc không có tiến triển ở các khu vực bị ô nhiễm nhất trong 10 năm qua.

Một phân tích toàn diện lần đầu tiên được thực hiện về tác động toàn cầu của ô nhiễm không khí đối với trẻ sơ sinh cho thấy ô nhiễm bụi mịn trong nhà và ngoài trời đã góp phần gây ra cái chết của gần 500.000 trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên của cuộc đời, theo một nghiên cứu toàn cầu mới, Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu 2020 (SoGA 2020). Gần 2/3 số ca tử vong có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn như than củi, gỗ và phân động vật để nấu nướng.

Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã góp phần gây ra hơn 6,7 triệu ca tử vong hàng năm do đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính và bệnh sơ sinh, trên toàn thế giới vào năm 2019. Đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các ca tử vong đều liên quan đến các biến chứng do sinh con nhẹ cân và sinh non. Nhìn chung, ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trong số tất cả các nguy cơ sức khỏe, chỉ xếp sau hút thuốc và chế độ ăn uống kém, theo báo cáo hàng năm SoGA 2020 được công bố bởi Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI1).

Trước vấn nạn ô nhiễm không khí như hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần khẩn trương lập kế hoạch hành động nằm nâng cao chất lượng không khí, giảm mức độ ô nhiễm ở khu vực nội thành, cùng lúc mỗi cá nhân cần thay đổi thói quen để xây dựng một môi trường sống có lợi cho các bà mẹ mang thai và cả thế hệ tương lai sau này.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích