Nút thắt điện mặt trời mái nhà sắp được gỡ

Nút thắt điện mặt trời mái nhà sắp được gỡ

Nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể được nới “room”, tức cao hơn mức 2.600 MW tại Quy hoạch Điện VIII.

Tại cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan tính toán nhu cầu phụ tải, khả năng bảo đảm an toàn hệ thống để làm căn cứ nới “room” về quy hoạch.

Đơn giản thủ tục, tăng giá mua

Theo dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 1 MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương quy định việc cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu ở nhà dân, công sở phải đơn giản, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Bộ Công Thương nghiên cứu, thống nhất tỉ lệ bán điện dư của nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia với giá áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố. Nếu phương án này được áp dụng, mức giá cho nguồn điện này có thể cao hơn so với đề xuất giá cố định ở 671 đồng/KWh như đề nghị trước đó của Bộ Công Thương.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc còn nhiều, vì vậy phải có chính sách để khuyến khích đầu tư, phát triển hiệu quả. Bộ Công Thương, EVN cần rà soát nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải, an toàn hệ thống làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện, mở “room” cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhất là miền Bắc. “Đây là căn cứ để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy cả nước hiện có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn điện này đến năm 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân. Như vậy, nếu được nới “room” quy hoạch, quy mô nguồn điện này sẽ tăng thêm.

tm-img-alt
Nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể được nới “room” quy hoạch là cơ hội cho người dân, tổ chức phát triển nguồn năng lượng này

Kiến nghị sớm triển khai

Đón nhận thông tin này, nhiều nhà đầu tư bày tỏ vui mừng. Bà Cao Thị Vui, ngụ TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, kể cách đây 3 năm, gia đình bà đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà với chi phí hơn 140 triệu đồng, đổi lại tiền điện giảm gần 2 triệu đồng/tháng.

Do mùa hè ở miền Bắc nắng to nên sản lượng điện của hệ thống dư thừa, vì vậy bà Vui mong muốn sớm được bán điện dư vào hệ thống lưới điện quốc gia để tránh lãng phí.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy group, nhấn mạnh việc mở “room” cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách quan trọng để phục hồi sản xuất và thu hút đơn hàng từ thế giới đến Việt Nam. Hiện nay, yêu cầu của các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas… không chỉ là đủ điện mà phải là điện xanh.

Để chính sách khuyến khích sớm thực thi, ông An kiến nghị Bộ Công Thương, EVN tính toán phụ tải, từ đó báo cáo thông số có thể tiếp nhận nguồn điện dư.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường (Bộ Công Thương), nhận định việc xem xét nới “room” quy hoạch điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ tháo gỡ “nút thắt” lâu nay về phát triển loại hình điện năng này. Bộ Công Thương đã từng đề nghị không khuyến khích mua – bán điện nguồn điện này, hoặc chỉ được mua với giá 0 đồng là do lo ngại nếu khuyến khích, công suất nguồn điện sẽ vượt con số 2.600 MW tại Quy hoạch điện VIII.

Về lâu dài, TS Lâm khuyến nghị EVN tính toán phụ tải, nếu bảo đảm an toàn hệ thống có thể nâng công suất mua điện dư của nguồn điện này lên con số cao hơn 20%. Ông Lâm cũng khuyến nghị cần có chính sách ưu đãi với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có tính chất như nguồn điện nền.

“Nếu nhà đầu tư có lắp đặt hệ thống lưu trữ thì EVN cần mua điện với giá cao hơn mức bình quân, ví dụ dao động từ 1.000 – 1.200 đồng/KWh. Bởi lẽ, nếu không có nguồn điện này, EVN vẫn phải nhập khẩu hoặc mua điện từ những nguồn đắt đỏ với giá rất cao” – ông Lâm phân tích.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. Mức này cao gần gấp 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600 MW cho cả nước.

Vì vậy, GS-TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng không có lý do gì để không khuyến khích nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Với nguồn điện này, Nhà nước sẽ không tốn thêm chi phí xây hệ thống lưới điện. “Nếu nhà nào cũng lắp điện mái nhà sẽ góp phần giảm áp lực lên ngành điện trong việc cung ứng vào những thời điểm khó khăn, căng thẳng” – ông Long nói.

Kiểm soát công suất, bảo đảm an toàn hệ thống

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý phải có giải pháp quản lý kỹ thuật để kiểm soát công suất đối với các nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm an toàn hệ thống; nhất là những nguồn điện đấu nối đưa lên lưới điện trung áp (cấp điện áp từ 15KV).

Do đó, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Theo đó, mức công suất lắp đặt nhỏ hơn 100 KW sẽ kết nối vào hệ thống của đơn vị điện. Mức công suất lắp đặt trên 100 KW (bán hoặc không bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia) đều phải kết nối vào hệ thống điều độ phân phối điện.

Do đó, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm, thu thập dữ liệu từ xa; hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ của các công trình điện mặt trời mái nhà. Theo đó, công suất lắp đặt nhỏ hơn 100 KW sẽ kết nối vào hệ thống của đơn vị điện. Công suất lắp đặt trên 100 KW (bán hoặc không bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia) đều phải kết nối vào cấp điều độ phân phối điện.

Ông Phạm Đăng An nhận định việc đầu tư thêm thiết bị để kết nối có giá khoảng 100 triệu đồng nhưng điều này rất cần thiết để bảo đảm an toàn lưới điện.

Đưa vào quy hoạch dự án đã khắc phục sai phạm

Chiều 14-8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương nghe báo cáo việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hiện nhiều dự án điện mặt trời do địa phương đề xuất nhưng chưa được cập nhật vào kế hoạch do thuộc danh sách 154 dự án không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch, đang được điều tra.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII những dự án không sai phạm hoặc đã hoàn thành việc khắc phục những vi phạm, sai phạm và đáp ứng được các tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế… Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, cơ quan điều tra để phân nhóm, giải trình, làm rõ, rà soát và sớm tháo gỡ.

“Các tỉnh có dự án nguồn điện đã thực hiện đầy đủ những nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành bản án (nếu có) thì sớm có văn bản báo cáo chính thức để tiếp tục cập nhật vào kế hoạch” – Phó Thủ tướng đề nghị.

Th.Linh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích