Nút bần chai rượu có tiềm năng trở thành vật liệu bền vững của ngành kiến trúc
Nút bần chai rượu hay nút bần rượu vang (wine cork) là loại nút chai làm từ gỗ của cây sồi bần và cho đến nay vẫn được đánh giá là thứ tốt nhất để giữ trọn hương vị của một chai rượu hảo hạng. Nút bần đã được sử dụng tại châu Âu từ thế kỷ XV, trải qua hàng trăm năm lịch sử, vẫn khó có thể tìm thấy một loại vật liệu hay dụng cụ nào khác thay thế vai trò của nó trong nghệ thuật sản xuất và thưởng thức rượu vang.
Để làm ra một chiếc nút bần, người nông dân sẽ thu hoạch vỏ sồi, làm sạch và khử trùng để ngăn ngừa nấm mốc sau đó đưa vào các loại máy gia công để tạo hình. Những miếng gỗ chất lượng sẽ cho ra đời những chiếc nút bần tự nhiên nguyên khối (natural cork), ngược lại, những miếng gỗ không đạt yêu cầu sẽ được nghiền nát để tạo ra loại nút bần ép có chất lượng thấp hơn. Nút bần có cấu tạo như tổ ong, cho phép một lượng nhỏ khí oxy đi qua và làm cho chai rượu lên men tốt hơn.
Đương nhiên, ngành thiết kế nội thất và kiến trúc nói chung không đề cập quá nhiều đến khả năng bảo vệ và lưu giữ hương vị rượu của những chiếc nút bần gỗ sồi. Chúng thu hút giới chuyên gia bởi tính bền vững sâu sắc, khi mà từ quá trình sản xuất, khai thác gỗ đến quá trình thu gom, tái chế và phân hủy của nó đều có khả năng hạn chế tác động tiêu cực và tăng cường tác động tích cực với môi trường hơn nhiều loại vật liệu thông dụng dùng trong thiết kế.
Trước hết, đối với quá trình trồng cây sồi và sản xuất nút bần, khác với những vật liệu gỗ thông thường là phải chặt hạ cả cây sau đó đưa vào nhà máy chế biến thì những cây sồi bần có thể sống từ 150 đến 200 năm mà vẫn cung cấp gỗ cho con người. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, nút bần được làm từ vỏ cây tươi và với đặc tính tự lành của cây sồi, người nông dân có thể thu hoạch vỏ cây 15 đến 18 lần trong suốt vòng đời của cây. Bằng tay nghề thủ công, con người có thể lấy vỏ sồi mà không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng bình thường của cây, đồng nghĩa với việc cả 2 bên cùng có lợi.
Cây sồi bần cũng là một loài cây có vai trò quan trọng với hệ sinh thái. Loài cây này mọc chủ yếu ở khu vực phía Tây Địa Trung Hải với tổng diện tích lên đến hơn 5,4 triệu mẫu Anh (khoảng 21.853km2). Quốc gia có diện tích sồi bần lớn nhất là Bồ Đào Nha với rừng sồi trải rộng hơn 1,8 triệu mẫu Anh.
Để so sánh, diện tích rừng sồi bần ở Bồ Đào Nha tương đương với diện tích của tất cả vườn nho sản xuất rượu vang trên thế giới. Phần diện tích còn lại của cây sồi bần được phân bố chủ yếu ở các nước Tây Ban Nha, Morocco, Algeria, Tunisia, Pháp, Ý.
Ở Bồ Đào Nha, cây sồi bần cung cấp môi trường sống cho một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như linh miêu Iberia, đại bàng hoàng đế Iberia và một số loài chim di cư. Cây sồi là nguồn hấp thụ khí CO2 đáng kể. Theo tính toán của Hiệp hội các nhà sản xuất nút bần của Bồ Đào Nha APCOR, lượng CO2 do các rừng sồi bần hấp thụ bằng 5% tổng lượng khí CO2 phát thải của toàn bộ đất nước. Hơn hết, một cây sồi có lớp vỏ tái sinh hấp thụ CO2 nhiều hơn 5 lần so với một cây sồi không được thu hoạch vỏ. Quả của cây sồi bần còn là nguồn thức ăn cho loài lợn đen nhỏ – nguồn thịt tươi sản xuất ra loại thịt nguội ngon nhất thế giới.
Có thể hiểu rằng, việc con người trồng cây lấy vỏ để sản xuất nút bần đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho con người, mà còn cho hệ sinh thái tự nhiên. Bản chất việc thu hoạch vỏ cây không hề gây hại hay làm chậm quá trình phát triển của nó, mà còn giúp chúng có lớp vỏ tái sinh khỏe mạnh hơn. Tất nhiên, mọi thứ chỉ hoàn hảo khi quy trình khai thác được thực hiện đúng theo các tiêu chí an toàn và tôn trọng sự phát triển tự nhiên của cây sồi bần.
Sau khi được chế tạo và hoàn thành vai trò của nó với ngành ẩm thực, nút bần được thu gom để sẵn sàng cho công đoạn tái chế. Hiện nay, nhiều nhà hàng ở Anh, Pháp đã bắt đầu thu gom nút bần trong những chiếc hộp nhỏ bên ngoài cửa hàng. Pháp là quốc gia tái chế nút bần chai rượu nhiều nhất thế giới, với khoảng 45 triệu nút bần được tái chế mỗi năm. Chuỗi cửa hàng rượu Nicolas của Pháp đã thu thập được khoảng 6 triệu nút bần để quyên góp cho dự án trồng cây sồi ở miền Nam nước Pháp. Chuỗi cửa hàng rượu lớn của Anh, Majestic, gần đây cũng đã bắt đầu chiến dịch thu gom nút bần để tái chế.
Khoảng 10 – 15 năm trước, việc tái chế nút bần đã bắt đầu trở thành một công việc nghiêm túc. Năm 2018, 550 triệu nút bần đã được thu gom trên toàn thế giới để tái chế, theo Amorim – nhà sản xuất nút bần lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 12 tỷ nút chai được sử dụng hàng năm.
Nút bần tái chế đã được sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang, xe hơi, thậm chí xuất hiện trong một số bộ phận của sản phẩm hàng không vũ trụ. Đối với ngành kiến trúc, nó trở thành vật liệu hạng sang của những tấm cách nhiệt, trải sàn, chống cháy và thiết kế nội thất. Chỉ riêng đối với ngành thiết kế nội thất, nút bần đã góp phần tạo nên những chiếc đèn bàn, bàn, ghế, chậu cây, thảm…
Các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất yêu thích nút bần là bởi nó đem lại giá trị thẩm mỹ, có tính bền và đàn hồi cao, linh hoạt, dễ tạo hình, dễ nhuộm màu và quan trọng nhất là tự phân hủy sinh học. Khi nút bần phân hủy, nó không giải phóng các chất độc có mùi khó chịu vào môi trường.
Nhiều kiến trúc sư đã công nhận nút bần là vật liệu cao cấp của kiến trúc bền vững, đặc biệt là những nhà kiến trúc luôn đặt môi trường lên hàng đầu trong thiết kế của mình. Nút bần là vật liệu tuyệt vời để xây dựng những ngôi nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Ngôi sao nhạc pop người Úc Troye Sivan đã giữ nguyên trần nhà bằng gỗ bần nguyên bản trong ngôi nhà của mình ở Melbourne để tạo cảm giác năng động và gần gũi với thiên nhiên.
Về bản chất, nút bần là gỗ sồi, nó thừa hưởng mọi đặc tính và giá trị kiến trúc của gỗ sồi. Về sinh học, quy trình trồng cây, sản xuất và phân hủy nút bần đem lại nhiều giá trị cho con người và môi trường, hoặc ít nhất là không gây hại. Về nghệ thuật, vòng đời của nút bần không chỉ dừng lại ở những chai rượu sang trọng đắt tiền, mà còn có thể góp mặt trong những tác phẩm kiến trúc bền vững, những bộ nội thất ấm cúng hay những món đồ thời trang.
Cho đến nay, ngành công nghiệp rượu vang vẫn chưa có ý định thay thế nút bần bằng một loại nút chai nào khác, do đó, những rừng sồi bần vẫn được con người chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận. Ngày nay, chỉ có khoảng 2 – 3% số nút bần trên thế giới được tái chế, nhưng giới chuyên gia tin rằng, nếu loại vật liệu này được nhiều ngành nghề ứng dụng hơn, đặc biệt là xây dựng, kiến trúc thì trong tương lai, nó sẽ trở thành sản phẩm được săn đón.
Trong bối cảnh lĩnh vực kiến trúc phải tiến tới thời kỳ phát triển bền vững để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và giảm phát thải carbon, những vật liệu bền vững như nút bần có nhiều tiềm năng và xứng đáng để được tái chế, tận dụng trong những công trình xây dựng. Còn gì tuyệt vời hơn một ngôi nhà được xây dựng từ những nút sồi bần an toàn với hệ sinh thái mà không chặt hạ bất cứ một cây sồi nào. Trái lại, cây sồi đó còn được chăm sóc tỉ mỉ hơn, tác động tích cực bằng việc cung cấp môi trường sống tự nhiên cho nhiều loài động vật và tiếp tục là một phần của thảm thực vật trái đất./.