Nuôi cá tầm siberi kết hợp du lịch cộng đồng ở A Lưới

 

Sau 2 năm nuôi  hiệu quả, gia đình ông Phương tiếp tục mở rộng đầu tư hệ thống ao nuôi. Ảnh: VD.
Sau 2 năm nuôi  hiệu quả, gia đình ông Phương tiếp tục mở rộng đầu tư hệ thống ao nuôi. Ảnh: VD.

Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, gia đình ông Hồ Thanh Phương tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đầu tư hệ thống nước tự chảy từ thác Anor, đào ao lót bạt nuôi khoảng 1.000 con cá tầm siberi. Năm 2021, gia đình anh Phương tiếp tục đầu tư 5 ao nuôi với diện tích khoảng 700 m2, thả nuôi khoảng 2.000 con giống.

Cá tầm siberi sinh trưởng, phát triển rất tốt, sau 2 năm nuôi có con đạt trọng lượng đến 6 – 7 kg/con. Ông Phương khẳng định, cá tầm thích nghi với khí hậu A Lưới rất tốt và có thể mở rộng mô hình.

Theo ông Phương, để nuôi được loài cá nước lạnh này ông phải dẫn nguồn nước trực tiếp từ thác A Nor thông qua hệ thống đường ống được đầu tư bài bản. Nguồn nước nuôi luôn được giữ sạch, đảm bảo hàm lượng oxy hoà tan cao, nhiệt độ nước trong ao nuôi luôn phải được duy trì dưới 30 độ C.

Ngoài nguồn nước nuôi sạch, không bị ô nhiễm, đáy ao nuôi cá tầm siberi phải luôn được vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bùn đất. Thời điểm này, ông Phương đang nuôi 4 ao, diện tích khoảng 600 m2, quy mô khoảng 1.500  – 1.600 con cá tầm thương phẩm.

Cũng theo ông Phương, cùng với việc nuôi cá tầm siberi gia đình ông kết hợp làm du lịch cộng đồng. Khu đất gần 3 ha của gia đình ông đang dần được phủ xanh bởi nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi da xanh, vú sữa, chuối, diện tích áo hồ cũng đang được mở rộng.

Nuôi cá Tầm đang mở ra hướng đi mới trong đầu tư nuôi trồng thủy sản có giá trị của người dân A Lưới. Ảnh: VD.
Nuôi cá Tầm đang mở ra hướng đi mới trong đầu tư nuôi trồng thủy sản có giá trị của người dân A Lưới. Ảnh: VD.

Ông Văn Lập, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho hay:  mô hình nuôi cá tầm phát triển du lịch cộng đồng đã cho thấy triển vọng. Cá phát triển tốt, khách tham quan mô hình rất thích. Đầu ra cá tầm hiện nay cũng ổn định, khách hàng đánh giá cao chất lượng cá tầm nuôi ở A Lưới. Nuôi cá tầm ở A Lưới hoàn toàn có thể kết hợp làm du lịch cộng đồng.

Ông Phương sẽ phát triển nơi đây trở thành một farmstay để du khách trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây là một loại hình du lịch hợp hợp trải nghiệm nông trại và lưu trú được nhiều người yêu thích hiện nay. Du khách cũng có thể câu cá thư giãn, thưởng thức ẩm thực cá tầm, tự chế biến các món ăn từ cá xứ lạnh.

“Từ hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm và hướng kết hợp du lịch, ngành du lịch của địa phương cũng định hướng kết nối các tour tuyến để du khách trải nghiệm. Về lâu dài, địa phương sẽ hình thành điểm đến trong chuỗi kết nối du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang phát triển ở A Nor” ông Lập chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết thêm, sau 2 năm nuôi, mô hình nuôi cá tầm đã mở ra hướng đi mới trong việc đầu tư nuôi trồng thủy sản có giá trị của người dân địa phương. Chất lượng cá tầm thơm ngon, cho giá trị dinh dưỡng cao.

Thời gian tới huyện sẽ đầu tư ngân sách, đặc biệt là nguồn ngân sách của Bộ Khoa học công nghệ đã phê duyệt dành A Lưới với nguồn kinh phí hơn 3 tỷ để đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá tầm. Huyện A Lưới, sẽ tiếp tục mở rộng và nhân rộng và tiến tới xây dựng nhãn hiệu cá tầm ở địa phương.

Chính quyền địa phương đang đầu tư mở rộng mô hình nuôi kết hợp du lịch cộng đồng. Ảnh: VD.
Chính quyền địa phương đang đầu tư mở rộng mô hình nuôi kết hợp du lịch cộng đồng. Ảnh: VD.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế cho biết, việc nuôi cá tầm đã mang lại lợi nhuận kinh tế khá lớn cho các hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào khó khăn. Đây được kỳ vọng là đối tượng nuôi mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân A Lưới. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi khoa học kĩ thuật và con giống tiến tới sản xuất con giống nhằm nhân rộng mô hình nuôi cá tầm nước lạnh.

Cá tầm siberi là loài cá nước ngọt ở xứ lạnh sống ở nhiệt độ dưới 30 độ C, có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, được đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2005. Đến nay, loài cá này đã được phát triển nuôi ở những vùng miền núi có nhiệt độ thấp với mô hình nuôi lấy thịt và lấy trứng.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích