Nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima xả ra biển có an toàn không ?
Nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima xả ra biển có an toàn không ?
Nhật Bản sắp tới sẽ xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển. Liệu nước này có gây hại cho môi trường biển và con người trên khắp khu vực Thái Bình Dương?
Bất chấp những lo ngại từ một số quốc gia và các nhóm quốc tế, Nhật Bản vẫn sẽ triển khai kế hoạch xả nước thải từ sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 ra Thái Bình Dương.
Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 khiến nước biển bị nhiễm phóng xạ
Sau khi bị trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011 làm tê liệt cơ chế tản nhiệt, lõi lò phản ứng của nhà máy Fukushima trở nên nóng quá mức và phát nổ. Kể từ đó, Nhật Bản đã phun hơn 1,3 triệu mét khối nước biển vào lõi để tản nhiệt. Do tiếp xúc với nhiên liệu hạt nhân, toàn bộ lượng nước này bị nhiễm các nguyên tố phóng xạ, gây lo ngại nhất là những chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người – bao gồm carbon-14, iodine-131, caesium-137, stronti-90, cobalt-60 và hydrogen-3 (còn được gọi là tritium).
Nhật Bản đã xử lý nước bị nhiễm phóng xạ như thế nào?
Nước bị ô nhiễm đã được thu gom, xử lý để giảm hàm lượng phóng xạ và được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa bằng thép không gỉ tại khu vực nhà máy. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cho biết đã sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) gồm các giai đoạn đóng cặn, hấp phụ hay kết dính các phân tử lên bề mặt và lọc vật lý để xử lý nước.
Nhưng quy trình lọc này không loại bỏ carbon-14 và tritium, vì vậy nước đã xử lý sẽ được pha loãng thêm với khối lượng nước biển gấp 100 lần. Sau khi pha loãng, TEPCO cho biết nồng độ tritium sẽ vào khoảng 1.500 becquerel (đơn vị đo độ phóng xạ của một chất) trên mỗi lít — bằng khoảng 1/7 hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về tritium trong nước uống.
TEPCO nói rằng nồng độ tritium sẽ giảm xuống mức bức xạ nền vốn có trong đại dương trong vòng vài km tính từ vị trí xả thải. Theo công ty này, carbon-14 trong các bể chứa hiện ở nồng độ khoảng 2%, thuộc ngưỡng trên của quy định Nhật Bản đối với nước thải và sẽ giảm hơn nữa sau quá trình pha loãng với nước biển, được thực hiện ngay trước khi xả thải.
Phóng xạ có ảnh hưởng đến con người và các sinh vật biển không?
Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng nước được xử lý có thể gây ra những tác động chưa rõ ràng đối với môi trường đại dương.
Năm ngoái, Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Hàng hải Quốc gia Mỹ ở Herndon, Virginia, cũng lên tiếng phản đối việc xả thải theo kế hoạch của Nhật Bản, vì thiếu dữ liệu khoa học đầy đủ và chính xác làm bằng chứng cho khẳng định của Nhật Bản về mức độ an toàn.
Chính phủ Philippines cũng kêu gọi Nhật Bản xem xét lại việc xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương.
Theo Robert Richmond, nhà sinh học biển tại Đại học Hawaii ở Manoa cho biết: “Những người đang ủng hộ kế hoạch này – xử lý nước bằng ALPS và sau đó thải ra đại dương – chưa chứng minh một cách toàn diện rằng việc xả thải sẽ an toàn cho sức khỏe đại dương và sức khỏe con người”.
Tritium là chất phát bức xạ β, nghĩa là nó phát ra bức xạ có thể làm hỏng DNA. Da người có thể ngăn chặn một phần bức xạ. “Nhưng nếu bạn ăn thứ gì đó bị nhiễm chất phát bức xạ β, các tế bào bên trong sẽ bị phơi nhiễm”, chuyên gia này nói.
Theo TEPCO, hoạt động đánh bắt cá ít khi diễn ra trong vòng 3 km tính từ nơi đường ống sẽ xả nước. Nhưng lo ngại tritium có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn khi các sinh vật lớn hơn ăn những sinh vật nhỏ hơn bị phơi nhiễm.
Người phát ngôn của TEPCO cho biết công ty đã tiến hành các thử nghiệm, trong đó các sinh vật biển được nuôi trong nước biển có chứa nước đã qua xử lý ALPS. Người phát ngôn của TEPCO khẳng định: “Chúng tôi khẳng định nồng độ tritium trong cơ thể các sinh vật biển đạt trạng thái cân bằng sau một thời gian nhất định và không vượt quá nồng độ trong môi trường sống”.
Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục so sánh sức khỏe của các sinh vật được nuôi trong nước đã xử lý và pha loãng với những sinh vật được nuôi trong nước biển thông thường.
TEPCO cho biết, chưa đến 22 terabecquerel tritium sẽ được giải phóng từ đường ống xả nước thải mỗi năm và sẽ cùng Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản và IAEA giám sát liên tục sinh vật biển và trầm tích xung quanh khu vực. IAEA, cơ quan đang giám sát việc dọn dẹp và quản lý Fukushima, dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng về địa điểm và kế hoạch xả nước thải vào cuối tháng 6.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị