Nửa đời sống trong những căn nhà ‘dưới mặt đất’ giữa trung tâm TP.HCM
Nhà thấp hơn mặt đường, ánh sáng leo lắt chiếu xuống tầng hầm, nhiều người dân khu vực cầu Bông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã sống trong cảnh “dưới mặt đất” suốt nhiều năm qua.
Người dùng mạng xã hội chia sẻ tấm ảnh cho thuê phòng nằm dưới mặt đất, có diện tích 26 m2, lối đi từ vỉa hè xuống sâu phía dưới.
Trên thực tế, tấm ảnh được ghi nhận trên đường Lê Văn Duyệt, đoạn dưới chân cầu Bông. Nhưng đây không phải chuyện “độc lạ” tại khu vực này, người dân đã sống trong những căn nhà tầng hầm hàng chục năm qua.
Gọi là hầm vì nhà thấp hơn mặt đường hơn 2 m, trời nắng gắt vẫn thiếu sáng, đến lúc mưa lại ngập nước lênh láng. Các bậc thềm từ vỉa hè xuống nhà vừa dùng để di chuyển, vừa tận dụng thông gió. Đây cũng là nơi duy nhất ánh sáng mặt trời có thể lọt xuống tầng hầm.
Lý do nhà thành hầm là vì đường Lê Văn Duyệt và cầu Bông nhiều lần được tu sửa. Qua mỗi lần đường và cầu nâng cao, nhà người dân lại thấp đi một phần.
Những căn nhà 2 tầng khang trang, từ tầng trệt biến thành tầng hầm, tầng một trở thành tầng trệt nằm ngang mặt đường. Có nhà cải tạo để ở, có nhà cho thuê, cũng có người bỏ không vị trí này.
Sống mãi thành quen
Cầu Bông bắc qua kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè là một trong những cây cầu đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Hơn 60 năm sống trong căn nhà cạnh cầu, ông Lê Minh Tâm chứng kiến đủ những thay đổi ở nơi đây.
Lần gần nhất là khi cầu Bông thông xe vào tháng 6/2014, độ tĩnh không được nâng cao thêm giúp các phương tiện trên đường Hoàng Sa và Trường Sa lưu thông thông suốt. Người dân nhờ đó mà đi lại thuận tiện hơn, nhưng ngược lại, cuộc sống của gia đình ông Tâm và hàng xóm thì gặp nhiều bất tiện.
Sống mãi cũng thành quen, giờ cả nhà không còn ngại chuyện đi lên đi xuống tầng hầm
Ông Lê Minh Tâm |
Nhà của người đàn ông này vốn một trệt, một lầu, mỗi tầng rộng khoảng 30 m2. Gia đình 2 đời sống tại đây, tới đời ông Tâm, căn nhà bỗng thay đổi bởi các dự án sửa chữa, nâng cấp cầu, đường.
Không còn nhớ chính xác thời điểm lần đầu nâng đường, nâng cầu, nhưng ông Tâm cho biết đã đủ lâu để gia đình ông không còn cảm thấy khó chịu khi di chuyển bằng lối đi xây từ mặt đường xuống sâu phía dưới mỗi ngày.
“Sống mãi cũng thành quen, giờ cả nhà không còn ngại chuyện đi lên đi xuống tầng hầm, cũng không thấy bí bách hay ngột ngạt nữa”, ông Tâm cười nói.
Người dân cho thuê phòng nằm dưới mặt đất, lối đi từ vỉa hè xuống sâu phía dưới. Ảnh: Ngọc An. |
Là hàng xóm của ông Tâm, bà Út được mọi người gọi vui với cái tên Út cầu Bông. Người phụ nữ nhớ lại thời điểm về sống tại số 130 Lê Văn Duyệt sau 30 năm làm ăn xa, căn nhà cũ của gia đình đã thay đổi. May mắn lối đi xuống tầng dưới cùng là lối đi chung của 3 nhà, đủ rộng để 2 người cùng di chuyển, nhưng không đủ không gian cho 2 xe máy quay đầu cùng lúc.
Bà Út mở điện thoại khoe những bài đăng cho thuê mặt bằng tầng một. Muốn sớm có khách thuê để kiếm thêm thu nhập, nhưng chính bà cũng nhận thấy khu vực này kén khách, các hộ thuê thường chỉ trụ được 6 tháng đã trả mặt bằng.
Đối diện tầng hầm nhà bà Út là cánh cửa sắt hoen gỉ cao chưa tới 1,5 m. Bà kể đó vốn là phòng của một cụ ông. Trước đây, 2 người con nhiều lần về thăm nom nhưng sau khi cha qua đời, nơi đây bỏ hoang. Hỏi về số phận của căn phòng tầng hầm này, bà Út lắc đầu.
“Nhà để trống bao nhiêu năm nay, rêu bụi cũng kín cửa rồi nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai về thăm, còn phần tầng một thì cho người ta thuê sửa xe lâu nay”, bà Út nói.
Thoát nước kém
Theo ghi nhận của Zing, quanh chân cầu Bông chỉ còn 3-4 hộ giữ nguyên lối thiết kế nhà cũ và vẫn sử dụng tầng hầm thấp hơn mặt đường. Những hộ mua mới đa số đã nâng cấp nhà ngang mặt đường để thuận tiện kinh doanh.
“Khi tôi còn nhỏ, lòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lúc này còn rộng, nhà lại ở vị trí cao nên không bao giờ ngập. Hiện nay có thêm bờ kè nên lòng kênh thu hẹp, trời mưa lớn khiến nhà tôi ngập đến mắt cá chân. Kinh tế gia đình eo hẹp nên cả nhà chấp nhận sống chung với lũ”, ông Tâm thở dài.
Đường xuống nhà bà Út và căn phòng dưới tầng hầm bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Trang. |
Theo lời của người dân, những năm gần đây, hệ thống cấp thoát nước hoạt động kém hiệu quả nên thường xuyên xảy ra ngập khi mưa lớn kéo dài, phải vài giờ nước mới rút hết. Trong khi hệ thống vẫn chưa thể cải thiện một sớm một chiều, giải pháp đã được họ tự thực hiện mỗi lúc mưa lớn là mua máy bơm.
Rút kinh nghiệm từ mùa mưa những năm trước, bà Út luôn sẵn sàng ứng phó với nước, những vật dụng điện tử đều được bà đặt lên bàn cao. Xe máy quanh năm được gửi ở một căn nhà gần đó nên không lo ngập. Người phụ nữ tâm sự nhà không đủ diện tích nên xe máy của nhiều hộ dân đều được gửi tại bãi xe chung.
“Một máy bơm đưa nước trong nhà ra ngoài, một cái đưa nước lên mặt đường. Chỉ cần nước thoát nhanh thì nhà không ngập”, bà Út nói.
Khi được hỏi về ý định chuyển sang một nơi ở tiện nghi hơn, cả bà Út và ông Tâm đều lắc đầu. Họ cho biết đây là nhà hương khói tổ tiên, mỗi dịp giỗ kỵ sẽ có con cháu tụ họp nên đi đâu cũng muốn về.
“Từ nhỏ đến lớn ở nơi đây, đi đâu cũng muốn về nhà. Hết đời mình thì chắc đời sau cũng bỏ không như ông cụ nhà đối diện chứ không ai ở”, bà Út bày tỏ.
Nguồn: Báo xây dựng