Nữ hoàng Anh kêu gọi hành động chung đối phó với khủng hoảng khí hậu
Nữ hoàng Anh kêu gọi hành động chung đối phó với khủng hoảng khí hậu
Trong thông điệp được phát qua video tại Hội nghị COP26, Nữ hoàng Elizabeth II cảnh báo tình hình sẽ xấu đi nếu tình trạng ô nhiễm trên thế giới không được quan tâm ngay tại thời điểm hiện nay.
Ngày 1/11, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hợp tác trong “sự nghiệp chung” đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu để giải quyết những “chướng ngại vật” vốn khó có thể vượt qua.
Trong thông điệp được phát qua video tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Vương quốc Anh), Nữ hoàng Elizabeth II cảnh báo tình hình sẽ xấu đi nếu tình trạng ô nhiễm trên thế giới không được quan tâm ngay tại thời điểm hiện nay. Nếu các nước không đương đầu với thách thức này, mọi vấn đề khác sẽ “trở nên vô nghĩa.”
Bà nhấn mạnh: “Không ai trong chúng ta đánh giá thấp những thách thức phía trước: nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng khi các quốc gia xích lại gần nhau vì mục tiêu chung, thì luôn có chỗ cho hy vọng.”
Trước đó một ngày, tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ COP 26 ngày 1/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị lần này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ phải nhóm họp xem xét kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu vào mỗi năm, thay vì 5 năm 1 lần như hiện nay, nếu hội nghị này kết thúc mà vẫn thiếu đi cam kết thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra các cam kết quốc gia và đề ra những hành động trong nước và quốc tế, nhằm giảm mức phát thải, đồng thời mở rộng quy mô thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên, đồng thời thảo luận về huy động tài chính khí hậu và các hành động để đạt được các mục tiêu đề ra là giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị