Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Trong nhiều năm qua, dù không có đôi chân lành lặn, di chuyển phải chống gậy nhưng chị Trần Thị Thuần (sinh năm 1983, Sóc Sơn, Hà Nội) đã luôn nỗ lực và khát khao cống hiến, không chỉ phát triển bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Những biến cố trong cuộc đời

Chị bị khuyết tật vận động, teo chân trái từ năm mới một tuổi. Sau một lần sốt cao, chân trái của chị Thuần dần teo quắt lại, không thể đứng lên được nữa. Từ đó đến khi 9 tuổi, chị chỉ di chuyển bằng hai tay và hai đầu gối. 

Sau chín năm chỉ biết bò, thời khắc rời mặt đất, bám lấy đồ vật đứng lên được khiến chị mừng đến trào nước mắt. Năm 10 tuổi, Trần Thị Thuần cắp sách tới trường. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng chị vẫn phải dừng việc học lại sau khi học xong cấp hai.

Nhưng nỗi bất hạnh chưa dừng lại ở đó, sau khi kết hôn và có hai bé trai, chị Thuần đối mặt với một tai nạn đáng tiếc và gãy một bên chân, đã phải phẫu thuật và gắn nẹp vít để cố định. Sau vài ngày chăm sóc chị trong bệnh viện thì đã không còn liên lạc được với người chồng. Và chị Thuần đã phải đối mặt với cuộc chiến chống lại căn bệnh và chăm sóc hai người con một mình.

Với mức trợ cấp hơn 500 nghìn đồng một tháng chỉ đủ để mẹ con chị sống qua ngày. Vì không thể tìm kiếm được một công việc ổn định nên chị Thuần từng phải đi bán hàng rong. Chị đã phải đi khắp phố phường Hà Nội, những giọt mồ hôi nhễ nhại ngay giữa trời đông lạnh giá khiến cho ai cũng phải cảm động. Hạnh phúc mỉm cười với người phụ nữ khuyết tật nhiều bất hạnh khi chị gặp được chị Tâm 1 cựu sinh viên Úc chị Tâm có đưa ra dự án động viên chị Thuần tham gia và thực hiện . Nhờ vậy mà chị Thuần đã có một công việc ổn định với mức lương từ 5 -7 triệu mỗi tháng. Nhờ vậy, cuộc sống của 3 mẹ con chị bớt khó khăn hơn.

   Hợp tác xã Tâm Ngọc

Với nụ cười, ánh mắt, khuôn mặt xinh xắn và giọng nói dễ thương, chị Trần Thị Thuần nhận mình là người phụ nữ hạnh phúc, bởi dù cuộc sống có nhiều khó khăn, chị vẫn lạc quan đón nhận bằng nụ cười luôn thường trực trên môi.

Vượt qua giai đoạn khó khăn

Từ việc làm trà do nhu cầu của bản thân và cho gia đình, người thân uống được mọi người khen ngon, chị Thuần nảy ra ý tưởng sản xuất những sản phẩm có thể cải thiện sức khỏe.

Năm 2013, chị tham gia vào Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn và làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Đồng Xuân. Chị đã cùng các hội viên mở cửa hàng photocopy, trồng thảo dược bán thô như: Hoa nhài, trà xanh khô; làm thêu. Mỗi buổi tối, chị Thuần tranh thủ thời gian để thực hiện ý tưởng, cùng một số bạn trong hội người khuyết tật của xã, biến những thửa đất bỏ hoang thành những vườn cây thảo dược. Năm 2019, chị đã thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc.

Trong HTX, chủ yếu các thành viên là người khuyết tật, vậy nên chị Thuần đã phải sử dụng một phương pháp phân chia công việc độc đáo, không giống ai và không giống nhau qua các ngày làm việc. Có những nhân viên có sức khỏe yếu, chỉ có thể làm việc trong khoảng 10 ngày trong một tháng. 

Để duy trì quy trình làm việc, chị Thuần đã phải điều chỉnh công việc hàng ngày dựa trên tình hình thực tế. Những thành viên có khả năng trí tuệ chậm chạp chỉ có thể thực hiện các công việc đơn giản và lặp đi lặp lại như nhặt cỏ và đóng gói.

Đồng thời, chị cũng phải sắp xếp một người giám sát hợp lý, vì sau khi nhặt cỏ, có thể các thành viên sẽ nhổ cả cây; hoặc khi đóng gói loại trà này để gửi cho khách hàng, có thể nhầm lẫn với loại trà khác… 

Nhờ quản lý linh hoạt của chị Thuần, HTX Tâm Ngọc đã tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều người khuyết tật với mức lương từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng mỗi tháng, phù hợp với nỗ lực mà họ đưa ra, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. 

Chị Thuần và các hội viên Hợp tác xã Tâm Ngọc

Bên cạnh những thuận lợi, chị Thuần cũng gặp phải những thách thức như “Gặp khó khăn trong quá trình điều hành xưởng và phân công công việc, chủ yếu là các bạn khuyết tật nên khi sản phẩm được đưa ra người ra sẽ có cái nhìn là mua để ủng hộ và chưa có chú tâm vào sản phẩm” Chị Thuần chia sẻ.

Đến nay, chị Thuần không chỉ xây dựng nên một hợp tác xã lớn mạnh, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật.  

 Chị Thuần tự tin tiếp cận sản phẩm đến khách hàng

Chị Trần Thị Thuần chia sẻ: “Trước khi thành lập HTX, tôi đã phải luôn trăn trở làm gì và làm như thế nào để tạo được công ăn việc làm phù hợp nhất với người khuyết tật. Từ khi thành lập, phải tìm những hướng đi để duy trì, giúp anh chị có thu nhập, tôi đã tìm hiểu và đi đến hợp tác cùng với các HTX khác để tạo nên một chuỗi liên kết, cùng nhau phát triển. Làm sao trong môi trường làm việc của luôn vui vẻ, gần gũi như trong một gia đình, mỗi thành viên đều là một nhân tố góp lên môi trường làm việc thân thiện để cùng tạo ra những sản phẩm chất lượng”.

Các sản phẩm chính là trà túi lọc thảo dược như Cà gai leo, đinh lăng… được làm từ những nguyên liệu tự trồng theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn. 

HTX đã có 3 sản phẩm trà túi lọc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2020, chị Thuần đã đem sản phẩm trà thảo dược được đi dự thi Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức và đã vinh dự được là một trong 10 sản phẩm tiêu biểu được vinh danh. Đó là điều mà chị Thuận không ngờ tới, sau biết bao nỗ lực, phấn đấu, giờ đây mọi thành quả đến như một giấc mơ.

Chị Thuần chia sẻ dự định sắp tới: “Kế hoạch trong 5 năm tiếp theo chúng tôi muốn mở rộng các vùng nguyên liệu và chủ động hơn trong việc nuôi trồng nguyên liệu thảo dược. Hiện nay đã trồng được vùng nguyên liệu trên huyện Hàm Yên, Tuyên Quang kết hợp với HTX Thảo Mộc Việt với hy vọng mở rộng được vùng dược liệu để mang những sản phẩm chất lượng tới tay người dân, không chỉ giúp khách hàng cải thiện sức khỏe, mà còn giúp nhiều người khuyết tật có công ăn việc làm, tăng thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích