Nữ chủ tịch công đoàn lập CLB Sức khỏe sinh sản, chăm lo cho gần 10.000 công nhân
Nữ chủ tịch công đoàn lập CLB Sức khỏe sinh sản, chăm lo cho gần 10.000 công nhân
Giỏi giang, chan hòa, năng động, giản dị là những gì mà đồng nghiệp và công nhân nói về chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Chí Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty.
Chí Hùng được
thành lập vào năm 2000, tại TX. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là một doanh nghiệp
chuyên sản xuất các loại giày thể thao, giày đá banh danh tiếng
trên thế giới. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động nhiều nhất tỉnh
Bình Dương.
Có được điều này là nhờ dấu ấn của nữ lãnh đạo Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc
Công ty TNHH Chí Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty.
Hành trình trở thành nữ lãnh đạo gần 10.000 công nhân
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, chị Ngọc Hà cho biết, hành trình của chị phải tính từ năm 2012 khi chị và người lao động trong doanh
nghiệp đa phần là lao động nhập cư, xa quê, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó
khăn, hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế, đặc biệt là lao động
nữ.
“Tôi cho rằng nhu cầu được thụ hưởng đời sống văn hóa, vật chất lẫn
tinh thần và tuyên truyền chăm sóc sức khoẻ cho tất cả người lao động trong
doanh nghiệp là rất cần thiết. Tôi đã mạnh dạn thương lượng cùng Ban lãnh đạo, làm
sao người lao động yên tâm sinh sống, làm việc, ổn định sản xuất, gắn bó lâu
dài với doanh nghiệp.
Điều này đòi hỏi tôi phải có kỹ năng, có phương pháp hoạt động
hữu hiệu, linh hoạt, phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, thiết thực
đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người lao động cũng như doanh nghiệp”, chị Hà chia sẻ.
Công ty TNHH Chí Hùng là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài,
chuyên sản xuất, gia công giày thể thao xuất khẩu. Ban lãnh đạo đa số là người
nước ngoài. Lúc đầu, vì còn nhiều những trở ngại bởi rào cản về văn hoá doanh
nghiệp, môi trường làm việc chưa thực sự thích nghi nên chị Hà phải mất nhiều
thời gian để làm quen, tìm hiểu.
“Tôi đã tìm hiểu sâu hơn về vùng miền, phong tục tập
quán và đặc biệt là các bước giao tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp. Hai
năm sau, tôi đã trang bị khá vững lối tư duy của mình, vừa làm vừa học thêm các
lớp dạy kỹ năng để cải thiện và phát triển bản thân, nhất là các công việc có
khả năng tiếp cận với Ban lãnh đạo doanh nghiệp” – Chị nói.
Người làm sếp vốn phải tập quen với sự cô đơn. Phụ nữ làm sếp phải
chịu đựng nhiều áp lực hơn cả.
Biết vậy nhưng không ít lần chị Hà phải trải qua cô đơn trong công việc đến mức khóc nghẹn lòng, không ít lần tuyệt
vọng.
Nhưng chị không nóng vội, không nản chí trong cách nghĩ, cách làm,
luôn kiên trì thương lượng với doanh nghiệp để đạt được mục đích.
“Tôi phân tích cụ thể khó khăn và đưa ra giải pháp từng việc làm để
doanh nghiệp nhận thức rõ: muốn giữ chân người lao động, ổn định và phát triển
kinh doanh thì việc đồng hành cùng người lao động, chủ động quan tâm, chăm lo đời
sống cho họ là điều tất yếu phải thực hiện” – chị Hà cho hay.
Nữ chủ tịch công đoàn chăm lo sức khỏe cho hàng ngàn công nhân
Là giám đốc
doanh nghiệp lớn kiêm chủ tịch công đoàn, chị Ngọc Hà luôn chăm lo đến đời sống
của công nhân.
Công ty
TNHH Chí Hùng có 80% là lao động nữ. Qua theo dõi, ghi nhận tỉ lệ lao động nữ
nghỉ làm do mắc bệnh phụ khoa, phá thai ngoài ý muốn hằng tháng đều tăng lên.
Trước thực
trạng này, chị Hà đã phối hợp thành lập “Câu lạc bộ công nhân lao động với Sức
khỏe sinh sản” sinh hoạt đều
đặn hàng tuần nhằm trang bị thêm những kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe
tình dục và kế hoạch hóa gia đình.
Chị tâm sự: “Tôi đã phối hợp với Ban Nữ Công Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội
Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Dương thành lập và tổ chức tập huấn định kỳ các
kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các anh chị em có nhiệt tình, tâm huyết.
Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, mang đến cho công nhân lao động nhiều kiến cơ bản
để biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình, quan hệ tình dục an
toàn, giảm tình trạng sống thử, nạo phá thai, đẩy lùi các bệnh lây truyền qua
đường tình dục, đem đến nhiều cơ hội chăm sóc và cải thiện sức khỏe cho người
lao động, biết tự bảo vệ bản thân và giữ vững hạnh phúc gia đình, góp phần rất
lớn cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho toàn bộ lao động trong công ty”.
Bên cạnh đó, chị Hà còn trực tiếp đề xuất
các quản lý trong doanh nghiệp sắp xếp công việc sản xuất và tạo điều kiện thuận
lợi cho lao động nữ đi điều trị nếu phát hiện có ca bất thường.
Chị phối hợp với Bác sỹ của Hội KHHGĐ tỉnh Bình Dương chuyển
tuyến xuống bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị 20 ca xét
nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
“20 trường hợp bất thường đã được phát
hiện và chữa trị kịp thời. Hiện tại, công nhân đã lành bệnh và đang gắn bó làm
việc tại công ty” – chị Hà cho hay.
Không chỉ quan tâm đến sức khỏe, chị Hà còn chăm sóc
cho công nhân từ những điều nhỏ nhất. Những ngày “đèn đỏ” thường tâm lý chị em sẽ thiếu ổn định, ảnh hưởng đến năng suất
lao động. Chị Hà đã linh động thảo luận cùng Ban giám đốc doanh nghiệp để chị em tự do
chọn thời gian nghỉ ngơi của mình.
“Thay vì nghỉ ngơi tại chỗ hay đến phòng y tế của công
ty thì chị em có thể nghỉ ở nhà bằng cách đi làm muộn 30 phút hoặc về nhà sớm
30 phút, tuỳ theo chị em lựa chọn sao cho thoải mái, không ảnh
hưởng đến tinh thần làm việc.
Bên cạnh đó, chị
em mang thai dưới 07 tháng được nghỉ sớm 05 phút, từ tháng thứ 07 trở lên thì
được nghỉ sớm 15 phút đi ăn cơm trưa” – chị Hà chia sẻ.
Trong môi trường tập thể với 80% lao động nữ thì
chuyện tranh đua nhau trong công việc, khác biệt quan điểm, hiểu nhầm giao tiếp,
không hài lòng về quản lý hay chính sách, thậm chí là bất đồng; hoặc nữa là
không hợp nhau tính cách, lối sống, săm soi đời tư của nhau là điều không tránh
khỏi. Là một người quản lý, chị Hà không chọn phe nhóm nào, cũng không đe doạ
hay xử phạt hoặc tìm cách né tránh hay đổ lỗi cho ai.
“Trước tiên,
tôi chú ý tìm hiểu, xác định phạm vi và mức độ ảnh hưởng để đánh giá tác động của
việc chia bè kết phái đến hiệu quả và không khí làm việc chung trong công ty.
Sau đó tôi sắp
xếp thời gian để thực hiện các cuộc trò chuyện cùng các chị em liên quan để thảo
luận và trao đổi về vấn đề này. Bằng cách lắng nghe và ghi nhận các quan điểm của
chị em, tôi sẽ hiểu hơn về nguyên nhân của vấn đề và tìm cách giải quyết” – chị
Hà cho biết.
Theo chị,
để tránh tình trạng tập thể chia bè kết phái, tất cả chị em phải cảm thấy được
tôn trọng và đánh giá cao để kết nối với nhau và hướng tới mục đích chung.
Chị khuyến khích giao tiếp cởi mở và trung thực để chị em cảm thấy thoải
mái khi chia sẻ ý kiến của mình, sẽ không còn điều gì lăn tăn hay bất mãn
trong lòng. Khi bất đồng quan điểm thì dẫn dắt chị em phải biết lắng nghe các
quan điểm khác nhau, tìm kiếm giải pháp chung. Bên cạnh đó, thường xuyên nhắc
nhở chị em nội quy công ty có nêu rõ những gì được phép và không được phép
trong môi trường làm việc.
Chị Hà cho rằng, bản thân doanh nghiệp muốn có được văn hóa bền vững thì phải
tạo môi trường lành mạnh để con người coi nhau như người thân, phải tin nhau.
“Tôi thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phụ nữ thời
Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá để xây dựng mối quan hệ giữa các chị em trong
công ty, tăng cường tinh thần đồng đội, cải thiện khả năng làm việc nhóm và giảm
thiểu các vấn đề liên quan đến chia bè kết phái” – chị nói.
Một nữ lãnh đạo chất lượng sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng. Bởi
thế mà khi nhắc đến chị Hà, đồng nghiệp và đội ngũ công nhân luôn dành cho chị
những lời trân trọng nhất. Bản thân chị thấy rằng càng có nhiệt tình và quyết
tâm cao thì trách nhiệm cho sự nỗ lực, phấn đấu càng cao.
Vì thế chị tâm niệm, muốn tiến bộ, muốn thành công, bản thân phải có
tư duy, không ngừng học hỏi, mở mang tầm nhìn và luôn luôn rèn luyện, trao dồi
kỹ năng thì mới có hướng đi đúng đắn và lan toả những điều tích cực đến những
người xung quanh. Nhờ cách làm đó chị không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của bản thân, mang lại kết quả tốt.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà là 1 trong 10 cán bộ công đoàn xuất sắc cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh tại giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần IV-2024 nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024).