NSND Hoa Đăng: Để xứng với danh hiệu, không có cách nào khác là tận hiến với nghề
Ngay sau lễ trao giải, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Đăng – Phó Trưởng Khoa Âm nhạc Truyền thống, Trưởng bộ môn đàn Tam thập lục – Gõ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là 1 trong 3 nghệ sĩ của Khoa Âm nhạc Truyền thống được phong tặng NSND đợt này.
Phóng viên: Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là nơi có chất lượng đào tạo hàng đầu cả nước về lĩnh vực âm nhạc dân tộc. Năm nay, có đến 3 NSƯT của Khoa nhận danh hiệu cao quý NSND, cảm xúc của bà như thế nào khi được phong tặng danh hiệu cao quý này?
TS.NSND Hoa Đăng: Khoa Âm nhạc Truyền thống chúng tôi là một khoa lớn, có đội ngũ giảng viên và học sinh, sinh viên đông nhất Học viện. Những thành tựu trong sự nghiệp âm nhạc dân tộc của Khoa gắn liền với lịch sử phát triển của Học viện. Chúng tôi tự hào là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – đơn vị đầu đàn về đào tạo nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ.
TS.NSND Hoa Đăng tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT. |
Thật xúc động trong lần trao danh hiệu lần thứ 10 này, Khoa chúng tôi có tới 3 NSƯT được phong NSND và 2 nghệ sĩ được phong NSƯT. Cá nhân tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhận vinh dự hôm nay, mỗi nghệ sĩ chắc chắn đều rất tự hào, đồng thời thấy rõ trách nhiệm đối với chuyên môn, đối với ngành nghề, để tiếp tục cống hiến hết mình cho xã hội, xứng đáng với danh hiệu cao quý này.
Phóng viên: Để nhận danh hiệu cao quý NSND không chỉ là sự ghi nhận của cơ quan quản lý, các cấp lãnh đạo và công chúng mà còn là một vòng nguyệt quế danh giá tô điểm cho sự nghiệp. Xin bà chia sẻ về quá trình phấn đấu nỗ lực để được ghi nhận như ngày hôm nay?
TS.NSND Hoa Đăng: Tôi đến với âm nhạc từ khi còn rất nhỏ, được những thầy cô là những nghệ sĩ chân chính, tài đức song toàn dạy bảo. Từ lúc là học sinh trung cấp, tôi cũng may mắn khi thường xuyên được đứng chung sân khấu với nghệ sĩ tài năng lớp trên – là những người được nhiều khán giả ngưỡng mộ, nên tôi sớm tích luỹ được rất nhiều kiến thức.
Tôi luôn ghi nhớ câu nói “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là khổ luyện”, để tự nhắc mình mỗi ngày cần nỗ lực hơn. Lao động nghệ thuật giúp tôi trưởng thành vững chãi trong nghề nghiệp. Ngọn lửa của lớp người đi trước là động lực thúc đẩy tôi miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và biểu diễn âm nhạc truyền thống.
12 năm trước khi được phong danh hiệu NSƯT, tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với văn hoá nghệ thuật của nước nhà. Để xứng đáng với danh hiệu, không có cách nào khác là tận hiến cho ngành nghề.
Có thể nói người nghệ sĩ nhạc dân tộc như con ong chăm chỉ, con kiến tha mồi, họ luôn cần mẫn, luôn khiêm nhường và có niềm tự hào, có tình yêu chung thuỷ, mãnh liệt đối với chuyên ngành mà mình đã có duyên phận. Tôi thường suy nghĩ, tư duy về những công việc và dự định phía trước, rất hiếm khi nghĩ về thành công mà mình đã đạt được. Tôi nghĩ sự nghiêm khắc với bản thân sẽ giúp tôi có nhiều cống hiến cho cộng đồng. Bản thân một nhà giáo mẫu mực, một nghệ sĩ giỏi có ảnh hướng rất lớn đến học sinh sinh viên (những nghệ sĩ tương lai), đó cũng là những đóng góp thiết thực mà mình có thể làm được.
Nhiều năm trước, tôi có cơ hội học tập tại nước ngoài, tiếp cận với âm nhạc dân tộc thế giới. Đạt được học vị Tiến sĩ tại một cơ sở đào tạo âm nhạc danh giá tại nước ngoài, tôi đồng thời có cơ hội quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới thông qua việc viết báo, giảng dạy, biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, tôi tham gia công tác quản lý Khoa. Thật hạnh phúc khi được cùng đồng nghiệp lao động nghệ thuật đích thực, mỗi thành tựu của Khoa đều có sự đóng góp bé nhỏ của bản thân.
Phóng viên: Hiện nay, giới trẻ ít quan tâm đến âm nhạc cổ truyền của cha ông để lại mà thay vào đó là âm nhạc thị trường, cùng với sự phát triển của nhạc cụ hiện đại. Sân khấu, nơi dành cho những nhạc cụ truyền thống cũng dần bị thu hẹp. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
TS.NSND Hoa Đăng cùng dàn nhạc Dân tộc Việt Nam tham dự Festival Âm nhạc Trung Quốc – ASEAN 2023. |
TS.NSND Hoa Đăng: Âm nhạc luôn vận động, có dòng chảy của sự phát triển không ngừng. Giới trẻ ngày nay được tiếp cận với nhiều dòng nhạc. Tuy nhiên, âm nhạc truyền thống luôn luôn có nội lực riêng, có sức sống mãnh liệt và trường tồn. Tôi mong âm nhạc dân tộc được phổ cập nhiều hơn với thế hệ trẻ Việt Nam. Kiến thức về văn hoá nghệ thuật dân tộc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng cần là những yếu tố quan trọng được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
Việc này cần đến sự định hướng và quan tâm trực tiếp trong ngành giáo dục, từ bậc mẫu giáo. Thật mừng vì gần đây, nhiều trường đã chủ động trong việc đưa môn nhạc cụ dân tộc là môn học bắt buộc chính thức đối với học sinh sinh viên. Lớp người Việt Nam mới sẽ đầy tự tin, tự hào khi hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong thời đại ngày nay là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bản thân bà và Khoa Âm Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã và đang làm gì để nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc, đưa nhạc cụ dân tộc đến gần với công chúng, nhất là giới trẻ hiện nay?
TS.NSND Hoa Đăng: Chúng tôi tự hào là lớp người kế cận, đang nỗ lực tiếp tục công việc giản dị mà thiêng liêng của lớp người đi trước: Vừa giảng dạy – đào tạo ra những nghệ sĩ diễn tấu nhạc cụ dân tộc cho các cơ sở nghệ thuật trong cả nước, vừa trực tiếp biểu diễn, lan toả những cung bậc âm thanh đẹp đẽ của âm nhạc dân tộc đến với khán giả trong và ngoài nước.
Trong công tác giảng dạy, biểu diễn và nghiên cứu khoa học, chúng tôi luôn hướng người học đến những giá trị mẫu mực của âm nhạc dân tộc. Nhiều cuộc hoà nhạc dân tộc được tổ chức, làm phong phú đời sống tinh thần của đông đảo khán giả.
Các nhóm giảng viên, nhóm nhạc của học sinh sinh viên cũng tích cực quảng bá, biểu diễn âm nhạc ở các trường phổ thông, đi tới các vùng sâu vùng xa…
Số thí sinh thi tuyển đầu vào hàng năm đều tăng, bao gồm cả học sinh là người nước ngoài. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đang đi đúng hướng trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, đưa nhạc cụ dân tộc đến gần với công chúng. Tuy nhiên, để âm nhạc dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn, chúng tôi cần rất nhiều sự chung tay chung sức của cả cộng đồng.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Nguồn: Báo lao động thủ đô