Nông thôn mới là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội
Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2023, toàn huyện đã thu hút thêm 17 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký trên 2.300 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp duy trì sự ổn định với các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giáo dục và đào tạo xếp thứ 3/10 huyện, TP. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch tiếp tục được quan tâm phát triển.
Công tác y tế, dân số, bảo hiểm xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, các chính sách an sinh xã hội được triển khai nghiêm túc, kịp thời. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện đứng thứ 4/10 huyện, TP.
Huyện chủ động triển khai nghiêm túc, bài bản các chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm tiến độ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả nổi bật…
Đặc biệt, xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; gắn đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và đã đạt được nhiều kết kết quả nổi bật, tiêu biểu. Theo đó, đến nay, huyện Yên Dũng có tổng số 7 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 32 thôn kiểu mẫu.
Nổi bật là trong năm nay, xã Cảnh Thuỵ được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục, xã Lãng Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu về an ninh trật tự, xã Lão Hộ được công nhận nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, có 06 thôn đã công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: thôn Trung xã Nội Hoàng; thôn Hồng Sơn xã Lãng Sơn; thôn Liễu Đê xã Tân Liễu; thôn Toàn Thắng xã Lão Hộ; thôn Voi xã Quỳnh Sơn; thôn Xuân Đông xã Xuân Phú, đạt 100% KH.
Trong năm 2023, huyện đã thực hiện xây dựng 50 công trình (tại các xã Cảnh Thụy 6 công trình; xã Đồng Việt 5 công trình; xã Lãng Sơn 17 công trình…); với tổng số vốn đầu tư phát triển xây dựng NTM năm 2023 là 32.760.000.000 đồng.
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp nông thôn của huyện Yên Dũng. Chương trình đã từng bước đưa các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của địa phương trở thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn huyện Yên Dũng có 19 sản phẩm được UBND tỉnh và huyện đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP trong đó có: 1 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao. Đợt 1 năm 2023 huyện cũng cấp giấy chứng nhận OCOP huyện Yên Dũng cho 5 sản phẩm: tương Trí Yên (HTX DVNL xã Trí Yên); trà củ sen (HTX Thương mại DVNN Bảo Ngọc xã Xuân Phú), Nấm Rơm (HTX DVNN Duy Bàn xã Lãng Sơn); nấm đông trùng hạ thảo (HTX nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên xã Tư Mại); rượu gạo men bắc Linh Sơn (HTX Rượu Linh Sơn xã Lão Hộ). Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP đều có đầy đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, mẫu mã bao bì, tem truy xuất.
Bên cạnh đó, với thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Yên Dũng đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Yên Dũng đã xây dựng và phát triển được 5 nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện gồm: Gạo thơm Yên Dũng, Luvacoop, tương Trí Yên, rau sạch Yên Dũng, khoai tây Sao thần nông.
Huyện cũng đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Dũng ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Để hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện Yên Dũng đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đường điện phục vụ sản xuất; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình…
Phát huy những thành tựu đã đạt được, huyện tiếp tục tăng cường, tập trung đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và đặc biệt tập trung cho điểm sáng là nông thôn mới.
Theo đó, tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025. Chỉ đạo các xã duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao các tiêu chí nông thôn; năm 2023 dự kiến phấn đấu có thêm: 1 xã NTM nâng cao (Tân Liễu), 01 xã NTM kiểu mẫu (Tư Mại) và 13 thôn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Thôn Thuận Lý, thôn Chùa xã Tiến Dũng; thôn Tân Hưng, thôn Tư Mại, thôn Đống Cao – xã Tư Mại; thôn Nam xã Đồng Việt; thôn Mồ Bò, thôn Hạ xã Đức Giang; thôn Ngọc Lâm, thôn Phú Thịnh xã Lãng Sơn; thôn Ao Gạo, thôn Tây, thôn Bẩy xã Cảnh Thụy.
Chủ động phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Yên Dũng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức trong Đảng và cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới… để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và nhân dân trên địa bàn huyện hiểu rõ, nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đồng tình ủng hộ, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất tập trung gắn với việc xây dựng Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà để góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ lồng ghép các mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất; khuyến khích hỗ trợ đầu tư thực hiện các dự án sản xuất hàng hoá tập trung, có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó cũng lưu ý việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2024 để phù hợp với nhiệm vụ thu ngân sách của địa phương, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về Đầu tư công, quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước. Việc giao dự toán phải bám sát tiêu chuẩn, định mức.
Đặc biệt, tập trung về mọi mặt, Năm 2024, hoàn thành việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang để hình thành thành TP Bắc Giang mở rộng theo định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu