Nóng bỏng cuộc chiến chống thuốc giả và thực phẩm chức năng giả
Nóng bỏng cuộc chiến chống thuốc giả và thực phẩm chức năng giả
Sáng 23/8, tại TP.HCM, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả – Hiện trạng và giải pháp”.
Từ lâu, vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại trong đời sống xã hội, vấn nạn này diễn ra với quy mô ngày càng lớn, gây ra rất nhiều hệ lụy với công nghệ ngày càng tinh xảo, nhưng các giải pháp để chống lại vấn đề nhức nhối này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Thuốc và Thực phẩm chức năng nắm sâu hơn nữa các biện pháp quản lý, bảo vệ sản phẩm chính hãng của mình và cũng là biện pháp ngăn chặn vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả để bảo vệ quyền được sống của con người, Viện Phát triển Doanh nghiệp VCCI phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo “Thuốc và Thực phẩm chức năng giả – Hiện trạng và giải pháp”, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp dược, thực phẩm chức năng giải pháp khoa học và công nghệ để ứng phó với vấn đề này.
Hội thảo có sự đồng hành của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và thực phẩm chức năng, nhằm cung cấp tới người tiêu dùng các chính sách, quy định của Nhà nước về chống hàng giả, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp khoa học – công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất.
Tại buổi hội thảo, đã có nhiều tham luận của các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội cùng chia sẻ về hiện trạng thuốc giả và thực phẩm chức năng giả; đồng thời nêu các giải pháp giải quyết vấn nạn trên. Có thể kể đến tham luận của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389); Tổng cục Quản lý thị trường; Viện kiểm nghiệm thuốc; Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam; Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…
Được biết, trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thời gian vừa qua, các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã đẩy lên một cao trào với làn sóng dư luận và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Nguồn thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi. Có một thực trạng đáng buồn là công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục phát triển trong những năm qua không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn phá vỡ môi trường kinh doanh cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, các đối tượng làm hàng giả đã tích cực tận dụng thời điểm này để tạo lợi thế bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng đang tăng rất cao hiện nay như: Khẩu trang, thiết bị y tế; chất khử trùng; các sản phẩm phòng chống COVID-19… Đồng thời, những đối tượng kinh doanh, sản xuất hàng giả cũng ứng dụng các loại công nghệ cao khiến trình độ làm hàng giả cũng được nâng tầm. Các loại sản phẩm giả, nhái được sản xuất với số lượng lớn và ngày càng khó phân biệt hơn, đánh lừa người tiêu dùng và làm khó cơ quan chức năng”, bà Thuỷ nói.
Theo đại diện VCCI, việc làm giả và lưu hành các sản phẩm giả tác động trực tiếp và tiêu cực đến uy tín của các thương hiệu đích thực, gây ra những tác hại rất lớn đối với doanh nghiệp như mất uy tín thương hiệu; mất doanh thu và thị phần trên thị trường vì các sản phẩm giả mạo khiến sản phẩm doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm…
Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Dược Việt Nam cho biết, 5 năm qua, số lượng thuốc giả chiếm 0,04% trong tổng số thuốc kiểm nghiệm. Số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng.
“Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ phát hiện điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, nhưng điều này người tiêu dùng rất khó phân biệt”, bà Hà nói.
Theo các chuyên gia, thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay hàng giả hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ở hầu hết lĩnh vực, trên mọi địa bàn. Các mặt hàng được làm giả rất đa dạng, từ giày dép, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm, phân bón… tất cả những gì mang lại lợi nhuận sẽ được làm giả.
“Nhiều vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là thuốc, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo quấy. Hàng giả nói chung như mang túi xách giả… cũng ảnh hưởng đến quyền lợi nhưng thực phẩm chức năng giả, thuốc không rõ nguồn gốc thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, lấy đi cơ hội về sức khoẻ, chữa bệnh”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Bà Trần Hoàng Kim Anh, Thương hiệu PN’S CHOICE- Công ty TNHH Tập đoàn Y- Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết, có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả. Cây Tam Thất có hình dáng giống cây sâm Ngọc Linh khiến nhiều người nhầm lẫn, thậm chí Sâm Ngọc linh cũng bị làm giả ngay tại “thánh địa”.
Từ thực tế trên, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả trong thời gian tới, theo ý kiến của các cơ quan chức năng, để xử lý tình trạng nhức nhối này cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần phải quyết liệt hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình.
Về phía các Doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tâm – Chuyên gia Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho rằng, các DN cũng phải nâng cao ý thức chủ động bảo vệ các sản phẩm của mình, trong đó các DN có thể sử dụng con tem có mã QR in trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đưa ra giải pháp, người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; Cần có tư vấn khi sử dụng và thông tin cho cơ quan Nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan cùng với các doanh nghiệp đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia quyết liệt của các Hiệp hội liên quan phối hợp trong đấu tranh chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Hội thảo, những nội dung mà các cơ quan quản lý, các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội trình bày sẽ bổ sung cho doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng nhiều kiến thức hữu ích trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và hơn hết là chọn lựa công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, hàng hóa của doanh nghiệp mình và cũng là thực hiện sứ mệnh bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị