Nội ô Đà Lạt sẽ không còn nhà kính sau năm 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản kèm dự thảo đề án “Quản lý nhà kính thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” gửi đến các sở, ngành, UBND các địa phương, doanh nghiệp trang trại sản xuất nông nghiệp… có sử dụng nhà kính trên địa bàn, để lấy ý kiến về đề án này.

Theo dự thảo đề án, việc phát triển nhà kính hiện nay trên địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, nhất là khu vực nội đô TP. Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị.

Nhà kính ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị TP. Đà Lạt (Ảnh: Đ.A)

Bên cạnh đó, các khu vực sản xuất nông nghiệp trong nhà kính chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa; làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ. Đặc biệt tại những nơi vùng trũng, vùng lòng chảo đã xảy ra trong thời gian qua tại TP. Đà Lạt và vùng phụ cận. Nhà kính còn ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng phát triển du lịch.

Nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy về môi trường và đô thị  (Ảnh: Đ.A)

Từ thực trạng nói trên, vấn đề đặt ra cho địa phương là cần phải có quy định tỷ lệ phù hợp với điều kiện sinh thái, cảnh quan từng vùng, từng khu vực, kết hợp các giải pháp tạo các vành đai xanh, các bờ lô thửa và các diện tích đất trống để đảm bảo hài hòa cảnh quan, môi trường. Đồng thời, cần phải quy định mật độ nhà kính phù hợp đối với nội ô TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận để phát triển hài hòa lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Cần phải có quy định pháp lý để quản lý đối với xây dựng nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu chung của đề án nói trên là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt (sau năm 2030) và các huyện lân cận. Đồng thời chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó rà soát, xác định các vùng được phép sản xuất nông nghiệp ứng dụng nhà kính để khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi đảm bảo nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường. Xác định các giải pháp giúp doanh nghiệp, HTX và nông dân từng bước giảm dần diện tích nhà kính, chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao không sử dụng nhà kính.

Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 178,8 tỷ đồng, gồm kinh phí từ Ngân sách Nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng (chiếm 2,0%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỷ đồng (chiếm 96,5%) và vốn lồng ghép hơn 2,6 tỷ đồng (chiếm 1,5%).

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp, vì có thể giúp tăng năng suất và tránh dịch bệnh cho cây trồng. Tuy nhiên, việc phát triển nhà kính ồ ạt lại làm cho thời tiết vốn là đặc sản của Đà Lạt, đang “nóng lên”. Khi diện tích nhà lưới, nhà kính tăng nhanh đến mức ảnh hưởng lên quy hoạch tổng thể, mỹ quan đô thị, góp phần gây nên tình trạng ngập lụt, thậm chí các tác động lên môi trường, định hướng phát triển kinh tế của địa phương… thì cần được phân tích một cách tổng thể với đầy đủ cơ sở cho các quyết định chính sách mới.

Được biết, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 4.476ha diện tích nhà kính; trong đó, riêng TP. Đà Lạt có diện tích cao nhất với 2.554ha (57,1%), huyện Lạc Dương 944,7ha (21,1%)… Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa với 2.435,5ha (chiếm 54,4%), sản xuất rau 1.818,1ha (chiếm 40,6%) và trồng cây khác 222,6ha (chiếm 5,0%)./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích