Nói không với tin giả, tin sai sự thật!

Từ thông tin cá nhân…

Khi mà Thủ đô Hà Nội đang trong thời gian giãn cách xã hội, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì người dân đặc biệt quan tâm đến những thông tin, liệu Hà Nội có bị giới nghiêm. Dạo quanh các nhóm Facebook, Zalo… rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề này…

Từ ngày cửa hàng kinh doanh ăn uống trên quận Hoàn Kiếm đóng cửa, ngày nào anh Nguyễn Khắc Hoàng (ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa) cũng “luẩn quẩn” với những thông tin: Cách ly, phong tỏa, giới nghiêm…

Cứ có thông tin gì liên quan đến Covid-19 từ khắp các trang báo chính thống cho đến trang mạng xã hội, anh Hoàng đều cập nhật và đưa lên các nhóm bạn bè, gia đình để chia sẻ, hỏi han. Không chỉ anh Hoàng, rất nhiều người quan tâm, lo lắng về việc, Thành phố liệu có bị giới nghiêm. Người dân lo lắng là có lý do bởi, chính quyền chỉ ban hành lệnh giới nghiêm khi tình hình an ninh, trật tự, xã hội mất ổn định.

Nói không với tin giả, tin sai sự thật!
Xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm khi đăng tin trên mạng xã hội. (Ảnh: Phạm Linh)

Luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Văn phòng Luật sư Quốc Thái) chia sẻ: Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm. Lệnh giới nghiêm chỉ được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định.

Thông tin giới nghiêm cũng phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng… Chính vì vậy, thông tin không đúng sự thật về giới nghiêm là rất nguy hiểm, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Và ngày 29/7, thông tin Hà Nội bị giới nghiêm cũng đã xuất hiện từ Facebooker có tài khoản mang tên “Thùy Linh” với nội dung “Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay”. Khi thông tin được đăng tải, rất nhiều người đã chia sẻ gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, ngay lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định, đây chỉ là tin giả. Thành phố không ban bố lệnh cấm người dân ra đường.

Một trường hợp tại Hà Nội cũng bị xử phạt vì đăng tin giả trên Facebook. Cụ thể, ngày 26/7, bà D.T.T.H (sinh năm 1981, trú tại quận Hoàng Mai) sử dụng tài khoản Facebook cá nhân “Đại Lý Trứng” đăng tin: “Sáng mai, Hà Nội có khoảng 3.000 chốt. Mỗi phường có khoảng 10 chốt. Đi đâu cũng phải giấy tờ đầy đủ. Giấy tờ tùy thân, Chứng minh thư nhân dân, đi ra đường với lý do cần thiết. Cả nhà chia sẻ cho nhau biết nhé”.

Thông tin trên là thông tin giả mạo, sai sự thật. Ngày 5/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H. vì vi phạm Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, mức phạt là 12,5 triệu đồng.

Vụ việc xôn xao dư luận gần đây nhất, tối 7/8, trên mạng xã hội và từ Facebook của một người tự xưng là bác sĩ tên Khoa (ở thành phố Hồ Chí Minh) viết một đoạn tuy ngắn song rất đỗi ly kỳ, đại loại: “Vị bác sĩ này trong ca trực rơi vào hoàn cảnh có một không hai trong đời. Đó là cùng lúc phải cấp cứu cả bố, mẹ già vì dịch Covid-19, lại phải đối diện với một sản phụ bị Covid-19 nhưng chuẩn bị sinh đôi. Cuối cùng, để cứu 3 mẹ con thai phụ, vị bác sĩ đã quyết định rút ống thở của bố mẹ mình, vì bố mẹ đã già và tiên lượng khó qua khỏi…”.

Nhiều người đã chia sẻ lại thông tin với độ lan tỏa chóng mặt cùng những bình luận tiếc thương, xúc động trước hành động cao cả của vị bác sĩ. Trên các Facebook ngập tràn hình ảnh “bác sĩ Khoa” thực hiện ca mổ thành công, hai con trai của sản phụ khỏe mạnh.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc làm rõ, qua rà soát trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào như thông tin trên. Đồng thời, hiện chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân tại Việt Nam. Một số thông tin cho biết, bác sĩ tên Khoa công tác ở Khoa sản của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, sáng 8/8, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thông tin trên là giả, không có bác sĩ nào tên Khoa và không có việc mổ sản phụ song sinh như tin lan truyền. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc xem xét, xử lý hành vi tung tin giả.

… Đến hoạt động có “tổ chức”

Tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh không chỉ xuất hiện từ những tài khoản cá nhân trên mạng xã hội một cách đơn lẻ, chủ yếu do thiếu hiểu biết, “câu viu, câu like”, tin thất thiệt còn xuất hiện một cách tinh vi hơn, có dấu hiệu lừa đảo.

Không chỉ tin giả, mà những thông tin mang tính kích động, thiếu xây dựng, thậm chí có tính chất “miệt thị” cũng xuất hiện nhan nhản trên mạng. Thật buồn khi hàng ngày, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng y tế tại chỗ không đủ, nghe theo lời kêu gọi của Bộ Y tế, của mệnh lệnh trái tim, hàng chục nghìn y, bác sĩ khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có những địa phương từ miền núi xa xôi như Hà Giang cũng tình nguyện vào Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch; trong khi hàng vạn chiến sĩ, tình nguyện viên và nhân dân ngày đêm căng mình chống dịch thì những “thành phần” ngồi máy lạnh, trong đó có không ít người là giới tri thức cũng ngày đêm “nhảy múa” trên không gian mạng để chê bai, họ dùng những ngôn từ hèn mạt như: “xứ An Nam”, “xứ Đông Lào”, “xứ ta”…

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) – Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, “honapply.vn” và “miniboon.vn” là hai tên miền chính được các đối tượng xấu sử dụng để lập website giả mạo trang thông tin của Bộ Y tế để xin trợ cấp tiêm chủng vắc xin Covid-19 và lừa tiền cứu trợ.

Ngay khi phát hiện các trang web honapply.vn, miniboon.vn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trung tâm đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ. Các chuyên gia Trung tâm NCSC khẳng định, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng. Các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng nội dung, thông tin theo cách mới khiến cho người dân mất cảnh giác và dễ mắc bẫy.

Người dân khi sử dụng Internet cũng cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng..

Trung tâm NCSC cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng nhằm trục lợi từ dịch bệnh như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ… Theo ghi nhận của các chuyên gia về an ninh mạng, gần đây đã có rất nhiều tên miền Internet có chữ “Covid” được đăng ký. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền những phương thuốc chưa được kiểm chứng…

Hệ lụy khôn lường

Tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 đã và đang khiến dư luận hoang mang, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch của toàn Đảng, toàn quân và toàn nhân dân. Những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền được thông tin của công dân.

Điều này đã và đang góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, đồng thời khẳng định quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, không ít đối tượng lạm dụng, thậm chí là cố tình lợi dụng quyền này để tung tin sai sự thật, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Hai năm qua, cả nước đối mặt với kẻ thù vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm là đại dịch Covid-19. Những ngày dịch bệnh tái bùng phát gần đây, trong khi các cấp các ngành, lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm vất vả, căng mình chống dịch, thì vẫn có không ít đối tượng tung lên mạng xã hội những thông tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch và niềm tin của nhân dân.

Theo một thống kê gần đây, hiện nay dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội – tương đương 73% dân số. Lý do lớn nhất dẫn đến sự gia tăng này là do tác động của Covid-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội trước đó đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới mạng.

Điều này cho thấy sự tác động của thế giới ảo đến đời sống xã hội thực tại là rất lớn. Chính vì thế, các thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật nếu không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời sẽ có tác động tiêu cực không nhỏ, làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội…/.

H.Duy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích