“Nỗi buồn chung cư” thời Covid

“Nỗi buồn chung cư” thời Covid

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh khó khăn chung cùng những bất cập chưa được giải quyết thì những vướng mắc nảy sinh không đáng có càng tô đậm thêm “mảng màu buồn” ở một số chung cư…

Khu chung cư An Bình City

Theo quy định, Ban quản trị nhà chung cư được thành lập thông qua bầu cử của các chủ sở hữu căn hộ trong chung cư và có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người sử dụng nhà chung cư. Như vậy, cũng có thể hiểu Ban quản trị chung cư nào thì sẽ là bên đại diện cho quyền lợi hợp pháp của cộng đồng dân cư trong chung cư đó. Thế nhưng thực tế, ở nhiều chung cư, khi đi vào hoạt động, chính “ bên đại diện” này lại đem tới không ít phiền toái cho cư dân…

KHÔNG PHÁT “THẺ ĐI CHỢ” CHO CƯ DÂN

Theo phản ánh của một số hộ dân sống tại khu chung cư Vinaconex 7, K2 Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, 2 tuần trước đây, gần 250 hộ dân, với khoảng 1.000 cư dân trong khu chung cư, không còn được phát “thẻ đi chợ”. Nếu có nhu cầu mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, họ sẽ phải mua hàng hóa tại các cửa hàng ngay trong tòa nhà với giá đắt hơn nhiều so với giá bán ngoài chợ.

Ngay sau phản ánh của cư dân Vinaconex 7, ngày 23/8, ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức họp với đại diện ban quản lý tòa nhà Vinaconex 7, Tổ trưởng tổ dân phố và một số cư dân đang sinh sống tại tòa nhà này.

Trong buổi làm việc, đại diện ban quản trị tòa nhà cho biết, đã thông báo trên group cư dân về việc lập “vùng xanh” tại tòa nhà. Thông báo cũng đã nêu rõ quy định, cách thức hoạt động của “vùng xanh”. Đồng thời, thành lập tổ hậu cần, tổ vận chuyển để đi chợ hộ cư dân hoặc đưa đón người đi chợ nếu có nhu cầu.

Ban quản lý và ban quản trị tòa nhà khuyến khích shop cư dân bán hàng tại tòa nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho cư dân trong thời gian giãn cách, có đăng ký danh sách và ký cam kết đầy đủ về nguồn gốc chất lượng, bình ổn giá. Ban quản trị không thu bất kỳ khoản phí nào từ những shop này để trục lợi…

Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, ngoài giá bán cao so với giá bên ngoài thì hàng hóa có sẵn trong khu chung cư cũng không đa dạng, thiếu nhiều mặt hàng cần thiết. Do đó, họ rất cần có “thẻ đi chợ” để được đi mua hàng ở các chợ lân cận.

Lãnh đạo UBND phường Cầu Diễn cũng đã yêu cầu Ban quản trị toà nhà phát thẻ đi chợ cho 100% các hộ dân đang sinh sống tại khu chung cư này.

CHO MƯỢN PHÒNG CỘNG ĐỒNG ĐỂ NGƯỜI LẠ SỬ DỤNG

Còn tại chung cư An Bình City (P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm), nhiều cư dân đang cảm thấy bức xúc khi giữa lúc giãn cách xã hội thì Ban quản trị lại để người lạ đến phòng sinh hoạt cộng đồng.

Sau khi nhận được phản ánh, đại diện Tổ dân phố Hoàng 21 đã đi kiểm tra và phát hiện một nhóm người tụ tập tại nhà sinh hoạt cộng đồng A6. Nhóm người này cho biết là nhân sự của Vinasinco – đơn vị quản lý vận hành mới tại An Bình City. Họ đang dọn dẹp, sắp xếp lại nhà sinh hoạt cộng đồng A6 để làm văn phòng Ban quản lý tòa nhà. Công việc này đã được Ban quản trị toà nhà cho phép thực hiện.

Chia sẻ rõ hơn về vụ việc, anh N.T, một cư dân sống tại An Bình City cho biết, vừa qua, Ban quản trị toà nhà đã tổ chức mở thầu và chấm lựa chọn Ban quản lý mới nhưng chưa thông qua ý kiến cư dân tại Hội nghị nhà chung cư thường niên. Đơn vị quản lý vận hành mới trúng thầu là Vinasinco. Do Vinasinco chưa có phòng làm việc tại toà nhà nên Ban quản trị An Bình City đã có ý định lấy nhà sinh hoạt cộng đồng khối nhà A4 cho đơn vị này mượn nhưng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cư dân khối nhà A4 nên không thực hiện được. Sau đó, Ban quản trị đã lấy nhà sinh hoạt cộng đồng A6 dựa vào kết quả lấy ý kiến các trưởng tầng để cho Vinasinco mượn.

“Trong khi cả Hà Nội đang thực hiện sát sao việc giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của UBND Thành phố và vẫn có nhiều ca mắc mới Covid -19 mỗi ngày thì việc Ban quản trị chung cư An Bình City cho mượn phòng sinh hoạt cộng đồng khối nhà A6 và để người lạ vào khu vực này không chỉ trái quy định mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bài học nhãn tiền ở chung cư Linh Đàm vẫn còn đó, khiến cư dân chúng tôi vô cùng lo lắng”, anh N.T bày tỏ.

Nói về việc làm của Ban quản trị An Bình City, đại diện một đơn vị quản lý toà nhà phân tích: Ban quản trị toà nhà lấy diện tích phòng sinh hoạt cộng đồng để cho mượn dựa trên quyết định của các trưởng tầng là không hợp pháp. Mà phải lấy ý kiến của toàn bộ cư dân sinh sống tại A6 và tỉ lệ đồng ý phải là 100%. Giả sử có đạt tỉ lệ tuyệt đối này đi nữa thì các quy định pháp luật liên quan (Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, các Thông tư 02-06-28 của Bộ Xây dựng) cũng không cho phép sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng vào mục đích cho thuê/mượn làm văn phòng.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, việc làm này thể hiện sự yếu kém của Ban quản trị trong công tác lập kế hoạch, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành. “Thông thường, khi ký hợp đồng quản lý vận hành thì cơ sở vật chất làm việc phải được hai bên bàn bạc và thống nhất trước. Nếu Ban quản lý mới không có chỗ làm việc, thì Ban quản trị cần rà soát lại toàn bộ khu vực tầng hầm. Chỗ nào chủ đầu tư sử dụng sai mục đích thì yêu cầu trả lại để bàn giao cho Ban quản lý sử dụng hoặc Ban quản lý có thể thuê chỗ làm việc hợp pháp. Với trường hợp của An Bình City, Vinasinco hoàn toàn có thể thuê lại 1-2 căn shophouse tầng 1 để làm văn phòng, hiện giá thuê đang rẻ”, ông Tuấn lý giải.

Được biết, sau khi nắm thông tin sự việc trên, chính quyền phường Cổ Nhuế 1 đã yêu ban quản trị chung cư An Bình City phải lập tức trả lại đúng mục đích, công năng sử dụng của nhà sinh hoạt cộng đồng A6, tuyệt đối không được cho người lạ vào chung cư để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid – 19. “Nhà Sinh hoạt cộng đồng là của cư dân, Ban quản trị không thể và không được phép lấy cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào để làm văn phòng hay các mục đích khác.” – ông Chu Thanh Hà, Chủ tịch phường Cổ Nhuế nhấn mạnh./.

Theo Phan Nam/vneconomy

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích