Nỗ lực trung hòa carbon trong sản xuất góp phần giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu

Trung hòa carbon là trạng thái cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính thải ra và lượng khí thải nhà kính hấp thụ khỏi khí quyển. Điều này có thể đạt được thông qua các nỗ lực giảm thiểu phát thải, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, hoặc thông qua các nỗ lực loại bỏ carbon, chẳng hạn như thu hồi carbon và trồng rừng.

Các chính phủ đang ngày càng nhấn mạnh vào tính trung hòa carbon, với nhiều nước đặt ra mục tiêu đạt được vào năm 2050. Trạng thái trung hòa carbon là mục tiêu chính của các tổ chức mong muốn: Giúp chống biến đổi khí hậu; Nâng cao thông tin xác thực về tính bền vững và tăng khả năng phục hồi; Phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (UN SDGs); Đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ xanh hơn; Nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách cắt giảm chi phí năng lượng.

Có thể thấy, tính trung hòa carbon là một mục tiêu quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho các chính phủ và tổ chức. Đây không chỉ là mục tiêu của nhiều quốc gia, mà còn là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều bước đi cụ thể, trong đó có các giải pháp trung hòa carbon, góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Trung hòa carbon trong sản xuất góp phần giảm phát thải nhà kính để bảo vệ môi trường sống là việc làm cần thiết hiện nay. Ảnh minh họa

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ (thành phố Hồ Chí Minh), năm 2018 (thời điểm trước dịch Covid-19), thành phố phát thải 57,6 triệu tấn CO2, chiếm 1/4 tổng lượng khí thải của cả nước, trong đó 93,6% là từ ngành năng lượng. Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% khí phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp.

Theo đó Sở đã tích cực hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thuộc năm lĩnh vực gồm sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc này giúp ngành môi trường thành phố Hồ Chí Minh giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn hiệu quả hơn. Từ đó, phát hiện những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất gây phát sinh nhiều khí thải để có hướng hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính. Kết quả tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 17 triệu tấn CO2/năm. Trong đó lĩnh vực năng lượng cố định và giao thông cao nhất, chiếm 85%. Đến năm 2019, tổng phát thải khí nhà kính của Bình Dương khoảng hơn 20 triệu tấn CO2/năm, thuộc nhóm phát thải cao so cả nước.

Các dự án trung hòa carbon đã được các tập đoàn lớn của nước ngoài rót vốn vào đầu tư xây dựng. Cụ thể, vào giữa tháng 4/2023 đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện cụm công nghiệp “Net Zero” giữa Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc). Tập đoàn SEP Cooperative đã giới thiệu các công nghệ trung hòa carbon sẽ áp dụng tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), gồm 3 hạng mục: Sử dụng năng lượng mặt trời; xây dựng hệ thống xử lý chất thải và nước thải; công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp. Dự án Cụm công nghiệp Tam Lập 2 dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2023. 

Cũng tại Bình Dương, một dự án lớn của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã được khởi công xây dựng theo tiêu chí trung hòa carbon. Theo kế hoạch, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego và sẽ bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời. Dự án của tập đoàn có quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44ha, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến hoạt động năm 2024.

Với dự án tại Bình Dương sẽ góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường; đóng góp tích cực cho định hướng phát triển xanh và bền vững của tỉnh Bình Dương.

Tại Việt Nam, trung hòa carbon trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bước đầu đã có những hiệu quả nhất định, được chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Gần đây nhất, Viện tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI) chứng nhận thêm một nhà máy của Công ty BSI Việt Nam đạt trung hòa carbon tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt trên con đường tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Chiếm gần 24% tổng điện sử dụng, điện năng lượng mặt trời là một phần quan trọng của nhà máy. Hiện tỷ lệ năng lượng xanh, sạch gồm năng lượng mặt trời, khí tự nhiên, đang chiếm hơn 92% năng lượng tiêu thụ tại nhà máy và lượng phát thải của nhà máy năm 2023 đã giảm 30% so với năm 2022.

Ông Lê Duyên Anh, Tổng giám đốc BSI Việt Nam cho biết: “Năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn rất nhiều trong các nhà máy. Tỷ trọng năng lượng mới hay năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo ngày càng tăng trong cấu trúc sử dụng năng lượng chung của các nhà máy. Nhiên liệu sinh học Biomax được sử dụng ngày càng nhiều hơn và thay thế phần lớn nhiên liệu hóa thạch”.

Theo chứng nhận của BSI, tổng lượng trung hòa tại nhà máy là 3.410 tấn carbon tương đương. Kết quả này đến từ nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, duy trì quỹ cây xanh để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất, Vinamilk nhận định: “Tất cả nhà máy của Vinamilk đều được kiểm kê định kỳ phát thải khí nhà kính hàng năm, từ đó chúng tôi biết được tình hình phát thải của các nhà máy đang ở mức độ như thế nào, từ đó đưa ra được các kế hoạch hành động. Từ giữa năm 2023, Vinamilk liên tục triển khai các dự án nhằm cắt giảm dấu chân carbon cũng như duy trì, triển khai các hoạt động trồng cây xanh nhằm hình thành bể hấp thụ khí nhà kính”.

 An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích