Nỗ lực phục hồi thị trường lao động
Thiếu hụt lao động ở một số thị trường trọng điểm
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý III/2021, số người tham gia lao động của cả nước là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý II, giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít địa phương, ngành, nghề thiếu hụt lao động sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Nguyên nhân khác là, tại một số địa phương lớn – thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, ở nhiều địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, mức thiếu hụt lao động chiếm tới khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nhân lực.
Trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. |
“Khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 thì 2/3 trong số 18 triệu lao động bị ảnh hưởng về việc làm, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ khiến thị trường lao động rất ảm đạm”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do báo Người Lao Động tổ chức mới đây.
Còn tại Hà Nội, tuy thị trường lao động không đứng trước nguy cơ đứt gãy, song hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn thiếu người làm việc, rõ nhất là ở một số ngành nghề, lĩnh vực, như: Xây dựng, lắp đặt nội thất, cơ khí…Chị Nguyễn Lan Hương, nhân viên phụ trách nhân sự Công ty Cổ phần Yamaguchi Việt Nam (Cụm Công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội), chuyên sản xuất, gia công cơ khí chính xác, cho biết: “Chúng tôi đang cần tuyển bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt, nhưng hầu như không có lao động tham gia ứng tuyển”.
Trên thực tế, tình trạng thiếu lao động ở những thị trường trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội.“Để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn và thời gian gấp 3 lần như thế. Đây là vấn đề thực sự nan giải cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên”, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh.
Để thị trường lao động dần hồi phục, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, doanh nghiệp phát triển, các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến. Bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay chúng ta đã làm tốt việc chi trả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động mất việc trong mùa dịch. Nhưng về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững, để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì cho rằng, trước tiên, để giữ chân người lao động và thu hút họ trở lại với doanh nghiệp, cần tập trung thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ. Ngoài công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi, theo TS Vũ Minh Tiến, doanh nghiệp cũng cần có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với những người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp lúc khó khăn.
Nỗ lực phục hồi thị trường lao động
Trên thực tế, nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động cũng đã và đang được cơ quan chức năng triển khai. Giải pháp cấp bách chưa có tiền lệ đang được khẩn trương triển khai, đó là Chính phủ quyết định hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên tới 38.000 tỷ đồng.
Ngoài nhóm lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, cả nước có hàng chục triệu lượt người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ khác từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng chủ động huy động nhiều nguồn lực để trợ giúp cấp bách cho người lao động.
Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động:
Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng như thị trường lao động nói riêng, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH) cho rằng cần rà soát sửa đổi kịp thời và tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó, ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với các tỉnh phía Nam cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. |
Chẳng hạn, tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạch Liên Hương, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2021 đến nay, toàn thành phố đã trích ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội với tổng kinh phí trên 1.505 tỷ đồng để hỗ trợ về nhiều mặt cho hơn 3 triệu lượt người dân, người lao động, giúp đa số người lao động yên tâm thực hiện “ở đâu, ở yên đó”.
Trong đó, Thành phố đã hỗ trợ gần 30 ngàn người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền trên 106 tỷ đồng; trên 1.200 người lao động ngừng việc, với số trên 1,2 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố hỗ trợ 32 doanh nghiệp vay trên 25,739 tỷ đồng để trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh cho trên 5.800 lượt người lao động.
Giải pháp lâu dài được các cơ quan chức năng triển khai là tăng cường kết nối cung – cầu về lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới.
Còn về công tác đào tạo nghề tập trung, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô