Nỗ lực hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Những mảnh đời lầm lỡ được hồi sinh

Từng có thời gian lên Thái Nguyên sinh sống, làm việc, bị rủ rê, lôi kéo và mắc nghiện, anh P. H ở phường Phú Lãm, quận Hà Đông tưởng rằng cuộc đời mình vậy là đã chìm vào u mê, tăm tối. Thế rồi, niềm hy vọng cuộc đời đã trở lại khi anh về địa phương, được các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện của phường Phú Lãm đến tận nhà vận động gia đình đưa P.H đi cai nghiện.

Khi P. H cai nghiện xong, cũng chính Đội công tác xã hội tình nguyện của phường lại tìm địa chỉ, động viên P.H học nghề sửa chữa điện thoại. Sau một năm rưỡi học nghề, hiện P.H đã có công việc ổn định với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Anh vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện nên có nguồn động viên để chú tâm làm việc, tránh xa cạm bẫy của ma túy.

Tương tự là câu chuyện của anh T.V.T sinh năm 1980 ở phường Dương Nội, quận Hà Đông. Sau một thời gian khổ sở vì nghiện ma túy, được sự động viên của gia đình và cơ quan chức năng địa phương, T.V.T đã quyết tâm đi cai nghiện ma túy. Trở về, anh được cán bộ địa phương hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để cùng với vợ mở cửa hàng bán và may quần áo. Hiện công việc kinh doanh của vợ chồng anh T.V.T khá thuận lợi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và giúp anh T.V.T phấn khởi tinh thần, chú tâm vào công việc, không bị lôi kéo vào con đường tăm tối cũ.

Nỗ lực hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Đội công tác xã hội tình nguyện phường Phú Lãm chia sẻ về học nghề, tìm kiếm việc làm với P.H.

Ngoài hai trường hợp kể trên, trên địa bàn quận Hà Đông cũng còn nhiều trường hợp người lầm lỡ mắc nghiện ma túy đã được tái sinh cuộc đời nhờ quyết tâm cai nghiện của bản thân và sự hỗ trợ về việc làm, cuộc sống của cơ quan chức năng, chẳng hạn như anh N.V.Th ở phường Yết Kiêu, sau khi cai nghiện đã được Đội công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu vận động mua xe taxi chở khách và hỗ trợ giới thiệu khách đi xe để công việc của anh được ổn định; hay anh T cũng ở phường Yết Kiêu sau khi cai nghiện đã được động viên, hỗ trợ vay vốn mở quán bán bún chả, rất đông khách, thu nhập ổn định…

Bà Đỗ Thị Minh Loan – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quận Hà Đông cho biết, năm 2023, quận Hà Đông được giao chỉ tiêu lập hồ sơ và đưa 50 người đi cơ sở cai nghiện ma túy để cai bắt buộc; hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 4 người sau cai nghiện ma túy. Đến nay, quận đã thẩm định hồ sơ và đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với 40/50 trường hợp, đạt 80% chỉ tiêu được giao. Với chỉ tiêu đào tạo nghề, việc làm, nhu cầu vay vốn của người sau cai nghiện ma túy, quận đã rà soát có 37 trường hợp, được bóc tách để hỗ trợ cụ thể.

Trong đó, 14 trường hợp có nhu cầu tìm kiếm việc làm, Phòng LĐTBXH quận đã có kế hoạch mời Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đến tư vấn, giới thiệu cho từng người vào vị trí công việc phù hợp. Hiện nay, toàn quận Hà Đông có 10 gia đình có người sau cai nghiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với mức tiền trung bình 50 triệu đồng/hộ để bán hàng ăn, may và bán quần áo. “Các hộ sử dụng đồng vốn vay đạt hiệu quả tốt, trả lãi đầy đủ nên đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lại”, bà Đỗ Thị Minh Loan cho biết.

Tiếp tục nỗ lực hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện

Ngoài các hoạt động như trao đổi của bà Đỗ Thị Minh Loan, hiện tại 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông cũng có Đội công tác xã hội tình nguyện và Câu lạc bộ B93 có nhiệm vụ giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện ma túy cũng hỗ trợ người sau cai tìm việc làm.

Chia sẻ về công tác hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) Trần Văn Viên cho hay, hiện nay, phường Yết Kiêu có hồ sơ quản lý 19 đối tượng, trong đó có 1 trường hợp là quản lý sau cai, còn lại là những người trước kia sử dụng ma túy nhưng nhiều năm không dùng nữa.

Nỗ lực hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH Hà Nội) khảo sát, đánh giá mô hình hoạt động Câu lạc bộ B93 phường Phú Lãm, quận Hà Đông. Ảnh: Trần Oanh.

Với những trường hợp có hồ sơ quản lý, các thành viên trong Đội công tác xã hội tình nguyện vận động họ không tụ tập, không mua bán và sử dụng chất ma túy. Với đối tượng sau cai nghiện ma túy, thành viên trong Đội thường xuyên thăm hỏi động viên, tham mưu, vận động, tạo điều kiện cho họ có công việc phù hợp với sức khỏe và mong muốn của bản thân.

“Những người sau khi cai nghiện ma túy được giới thiệu hoặc hỗ trợ có việc làm ổn định như kinh doanh quần áo, hàng ăn, làm bảo vệ, chạy grab, làm khung nhôm cửa kính… từ đó có thu nhập ổn định, tinh thần rất phấn khởi, nhiều năm rồi không sử dụng ma túy”, ông Trần Văn Viên cho hay.

Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại quận Hà Đông đã mang đến những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội cũng như chính sách an sinh được đảm bảo. Tuy nhiên, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn những khó khăn vướng mắc.

Theo Trưởng phòng LĐTBXH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan, thực tế tại quận Hà Đông, các đối tượng sau khi cai nghiện ma túy trở về thì hầu như không ở địa bàn quận, mà đi nơi khác nên rất khó khăn trong công tác nắm bắt đối tượng và tư vấn, giúp đỡ.

Việc hỗ trợ người sau cai cũng gặp vướng mắc xuất phát từ tâm lý của họ tự ti, không vượt qua được rào cản để hòa nhập cộng đồng. Về phía cộng đồng dân cư vẫn có khoảng cách nhất định với những người sau cai nghiện ma túy. “Mặc dù có khó khăn như vậy nhưng những người làm công tác quản lý sau cai vẫn sẽ nỗ lực, quyết tâm có những giải pháp triển khai công việc đạt kết quả để giúp người từng nghiện ma túy phòng chống tái nghiện”, bà Đỗ Thị Minh Loan khẳng định.

Còn Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) Trần Văn Viên thì bộc bạch: “Một người nghiện cai thành công đã khó, duy trì để không tái nghiện càng không phải điều dễ dàng. Nếu họ tái nghiện, bao nhiêu công sức và nỗ lực trước đó đổ sông đổ biển, chưa kể, kéo theo đó là hàng loạt gánh nặng đối với gia đình, xã hội… Vì thế tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, bằng kiến thức, tâm tư, sự sẻ chia, động viên kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng người sau cai tái nghiện trở lại”.

“Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình hơn nữa của quần chúng, huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia, góp phần giảm thiểu tình trạng phức tạp do nghiện ma túy trên địa bàn, để đời sống nhân dân trong khu vực ngày càng lành mạnh hơn”, ông Trần Văn Viên chia sẻ thêm.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích