Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường cao tốc

Với chủ trương coi “mỗi công trường là một vùng xanh cần bảo vệ”, Bộ GTVT đang khẩn trương đôn đốc tiến độ tất cả các dự án thành phần của cao tốc, đồng thời, động viên các Ban quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực vừa thi công, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xử lý triệt để những vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt khi chuẩn bị vào mùa mưa lũ năm nay. Ảnh: VGP/PT

Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm sẵn sàng khởi công

Theo báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình (Bộ GTVT) về tình hình triển khai thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, mặt bằng của dự án đã hoàn thành 48,1 km/49,1 km (đạt 97,9%). Địa phương đã bố trí cho khoảng 90% số hộ tái định cư và đang tiếp tục làm thủ tục bàn giao đất cho các hộ dân còn lại.

Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh đã lựa chọn xong nhà thầu và ký hợp đồng với các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế. Hiện địa phương và Ban QLDA Hồ Chí Minh đã bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà đầu tư) để thực hiện khảo sát, chuẩn bị khởi công dự án.

Về phía doanh nghiệp đầu tư dự án, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn vốn chủ sở hữu để thực hiện theo yêu cầu của hợp đồng cũng như đã hoàn thành việc xin cấp giấy phép thi công xây dựng các công trình các tuyến nối, cầu vượt, đường giao, nút giao và các công trình giao cắt với công trình hiện trạng. Tuy nhiên, dự án chưa có hợp đồng bảo hiểm do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, TP. Hà Nội và tỉnh Khánh Hoà thực hiện giãn cách xã hội nên nhà đầu tư dự án chưa thể triển khai.

Về vật liệu, dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm cũng đang đối diện với tình trạng thiếu nguyên liệu đất đắp. Nghị quyết số 60/NQ-CP đã phần nào tháo gỡ khó khăn nhưng hiện dự án vẫn đang thiếu khoảng 4,76 triệu m3. Trong đó, 3,66 triệu m3 chưa cấp phép khai thác và 1,10 triệu m3 không có đường vận chuyển do vướng hầm Dốc Sạn.

Ghi nhận tại hiện trường ngày 9/9, đoàn công tác của Bộ GTVT cho biết hiện nay các đơn vị xây lắp đã tiếp cận mặt bằng, làm đường tạm thông tuyến phục vụ công tác khảo sát và khởi công; đã hoàn thành khu nhà ở lán trại đảm bảo phục vụ thi công và điều hành quản lý dự án; đang triển khai xây dựng khu phụ trợ (trạm trộn, trạm nghiền, trạm bê tông ly tâm, bãi đúc dầm…), thi công đường điện 22KV phục vụ thi công, tập kết nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, nhiên liệu…

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận sự nỗ lực của Tập đoàn Sơn Hải khi đã chủ động trong việc đàm phán với ngân hàng để có vốn kịp triển khai dự án. Thứ trưởng đề nghị đơn vị tích cực phối hợp làm việc với ngân hàng sớm hoàn thành việc thẩm định, ký kết hợp đồng cung cấp tín dụng thực hiện dự án.

Hợp đồng BOT dự án thành phần đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Bộ GTVT và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm ký kết ngày 5/6/2021.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 2 năm, vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Kiên quyết thay nhà thầu năng lực kém

Báo cáo đoàn công tác Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn hiện đã được bàn giao 99,9% mặt bằng sạch (98,25/98,3km). Sản lượng xây lắp đến ngày 5/9 là 3.482,66 tỷ đồng/5.712 tỷ đồng đạt 61% giá trị xây lắp. Giải ngân toàn dự án đạt 4.540/7.669 tỷ đồng, đạt 59,2% kế hoạch vốn. Tiến độ giải ngân của dự án đáp ứng tiến độ đăng ký.

Các gói thầu XL1, XL2 triển khai từ tháng 10/2019 và gói thầu XL8, XL10 triển khai quý I/2020 sẽ hoàn thành trong quý IV/2021, sản lượng đạt trung bình khoảng 72%. Riêng gói thầu XL10 vượt kế hoạch khi đạt sản lượng 82% so với giá trị xây lắp trong hợp đồng.

Các gói thầu còn lại (XL3, XL4, XL5, XL6, XL7, XL9 và XL11) được triển khai trong quý I, quý II/2020 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý IV/2021 và quý I/2022, sản lượng đạt trung bình khoảng 51%. Trong đó, 2 gói thầu XL5, XL6 có sản lượng trung bình thấp (ít hơn 40%). Nguyên nhân do hai gói thầu này có khối lượng đắp nền đường là chủ yếu và trước đây có khó khăn trong công tác tìm nguồn vật liệu đất đắp, hiện đã được Bộ GTVT và địa phương tháo gỡ cơ bản đảm bảo nguồn đất đắp.

“Để đáp ứng tiến độ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT cho phép Ban chủ động thực hiện các giải pháp mạnh như thay thế chỉ huy trưởng, điều chuyển một phần khối lượng của các nhà thầu có tiến độ triển khai chậm so với tiến độ yêu cầu cho các nhà thầu đáp ứng năng lực”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nhân lực thi công dự án, Ban kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Y tế ưu tiên phân bổ nguồn vaccine cho lực lượng công nhân, lao động và chuyển về địa phương khu vực dự án để tiêm cho người lao động trên công trường.

Với khó khăn về nguồn vật liệu đá do các mỏ đá thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang khan hiếm vì phải cung cấp đá cho nhiều công trình lớn trên địa bàn, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao phương án “vượt khó” mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà thầu thực hiện khi vận chuyển đá từ Hà Nam bằng đường thủy.

Riêng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tất cả các Ban QLDA nói chung và Ban QLDA Hồ Chí Minh nói riêng, tuyệt đối không chủ quan vì “Bộ GTVT coi từng công trường là vùng xanh cần bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h”.

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt người ra vào công trường, nhất là lái xe, người giao nhận, nhân công thời vụ, việc giao nhận hàng hóa, thực phẩm, vật liệu, vật tư.  Các đơn vị tham gia dự án tuyệt đối hạn chế tiếp xúc với người ngoài và có biện pháp hạn chế tại công trường như: Yêu cầu lái xe không xuống khỏi cabin, công tác bốc xếp vật liệu xem xét giao cho lực lượng tại chỗ thực hiện; thiết lập tổ chức khu vực riêng để tiếp nhận hàng hóa và thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần giao nhận.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích