Nợ đọng xây dựng – cần giải pháp nào để cứu doanh nghiệp?
(Xây dựng) – Ngày 18/8 tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nợ đọng xây dựng – kiến nghị và giải pháp” nhằm tập hợp các kiến nghị phản ánh khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng; đồng thời, đề xuất kiến nghị các giải pháp với Nhà nước và Bộ, ngành liên quan.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. |
Theo VACC, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều tháo gỡ thông qua ban hành, sửa đổi bổ sung chính sách về đầu tư xây dựng như sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, đặc biệt trong đó ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng, ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 68/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các văn bản pháp lý này khi vận dụng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc; trong đó phần thua thiệt lại là nhà thầu. Hiện có nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp cần được tháo gỡ, đặc biệt trong khâu thanh quyết toán.
Hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở giá trị khối lượng còn lại khoảng 20 – 25% cuối của dự án. Thậm chí, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác.
Tình trạng trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công mà ở cả các dự án sử dụng các nguồn vốn khác. Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch VACC khẳng định, rất nhiều khó khăn đến với các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp xây dựng thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản.
Các nhà thầu xây dựng đang cần sự chung tay tháo gỡ khó. |
Ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ, tại nhiều doanh nghiệp, các khoản nợ đọng công trình vốn đầu tư công dù đã kết thúc từ 2 – 3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được. Khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước cho thấy, doanh nghiệp có quy mô khoảng 100 tỷ đồng, chiếm 90%; doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Với đặc thù quy mô vốn nhỏ, các Công ty xây dựng chủ yếu sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để triển khai dự án. Dòng tiền của doanh nghiệp chủ yếu trông chờ vào tiền mặt; trong khi số nợ đọng hiện rất lớn. Tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít thì 30 đến 50 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp đang “gánh” số nợ trên 1.000 tỷ đồng cũng rất nhiều.
Các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để tiếp tục thi công với lãi vay khoảng 90%/năm. Vốn bị nợ gấp đôi vốn doanh nghiệp hiện có doanh nghiệp lãi vay tới 90% thì càng làm càng “lỗ”, rơi vào tình trạng “nợ chồng nợ”. Nhưng nếu doanh nghiệp không làm thì chậm tiến độ mà làm thì công nợ phải chịu lãi vay ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, nguyên nhân chính của nợ đọng xây dựng đối với đầu tư công là do thủ tục thanh quyết toán phức tạp, nhất là với những dự án có khối lượng phát sinh vì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên tốn nhiều thời gian.
Với những dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai nên khi có biến động bất thường thì không có tiền trả cho nhà thầu. Cùng đó, nhiều chủ đầu tư còn chây ỳ không trả hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm khiến doanh nghiệp xây dựng tiếp tục rơi vào bế tắc khi phải xử lý tình huống này.
Theo ông Hiệp, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính cần rà soát lại toàn bộ việc nợ đọng xây dựng hiện nay để có biện pháp xử lý dứt điểm. Đối với vốn ngoài ngân sách, nên có cơ chế hợp đồng là 20% cuối cùng của chủ đầu tư buộc phải có bảo lãnh thanh toán.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cần công khai danh sách những chủ đầu tư nợ đọng xây dựng để có cảnh báo cho họ phải nghiêm túc hơn nếu muốn đầu tư tiếp.
Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Đại tá Khương Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết: Nợ đọng trong những năm gần đây đã trở thành vấn đề lớn, vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 31/3/2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỷ đồng (535 tỷ vốn tư nhân, 1.400 tỷ vốn Nhà nước). Hiện chúng tôi có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu, gồm (382 hợp đồng đang theo dõi công nợ tại các đơn vị là Công ty con, 119 hợp đồng xây lắp và 779 hợp đồng RPBM được theo dõi tại Tổng Công ty mẹ). Có tổng số nợ phải thu tại thời điểm 31/3/2022 là: 1.539 tỷ đồng. Gồm: (Nợ XL 1.260 tỷ; RPBM 279 tỷ). Trong đó: công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn Nhà nước là 1.004 tỷ, Doanh nghiêp tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 đến 3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm 149 tỷ đồng. Nhiều dự án đã đưa vào quyết toán 3 năm vẫn nợ, có khoản nợ tới hàng chục năm. Dẫn đến Tổng Công ty bị khó khăn về tài chính, nguy cơ phá sản.
Thiết nghĩ cần có biện pháp cụ thể: Chủ đầu tư phải có 70-80% vốn của dự án đầu tư. Tỷ lệ cân đối các nguồn vốn phải bảo đảm. Công tác thanh tra kiểm toán cần quy định thời gian tránh bị chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quyết toán. Hơn nữa vướng mắc mặt bằng thường từ phía chủ đầu tư, do đó máy móc thiết bị của nhà thầu thường phải chờ chủ đầu tư, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu.
Những vướng mắc về thủ tục thanh, quyết toán hợp đồng các dự án xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công và các dự án ngoài đầu tư công.Về thời gian thanh toán kèm thêm điều kiện khác: Theo hướng dẫn của Nhà nước việc thanh toán khối lượng hoàn thành cho Nhà thầu được xác định trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, một số hợp đồng chúng tôi đang thực hiện, cụ thể các dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020 Chủ đầu tư lại yêu cầu thêm điều kiện dự án được bố trí đủ vốn mới thanh toán đúng thời gian. Chúng tôi thấy rằng quy định bổ sung này không phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng. Thời hạn thanh toán khi giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu: Việc giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu là do biến động của thị trường diễn ra bất thường hoặc do tính toán của chủ đầu tư không lường trước được các nội dung phát sinh điều chỉnh, việc này hoàn toàn không do lỗi của nhà thầu. Vì vậy, chủ đầu tư cần phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu đúng với thời gian thống nhất trong điều khoản thanh toán chứ không thể chờ đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng không quy định bắt buộc phải giữ lại khoản tiền phục vụ công tác quyết toán công trình, tuy nhiên tại các hợp đồng chúng tôi ký kết, chủ đầu tư vẫn yêu cầu giữ lại từ 2% đến 5% giá trị để chờ quyết toán. Các nhà thầu thấy rằng: Vốn để luân chuyển cho sản xuất kinh doanh của nhà thầu là rất quan trọng, việc giữ lại tiền nếu thấy không cần thiết chủ đầu tư không nên giữ lại. Nếu cần thiết phải giữ lại, chỉ cần tạm thanh toán với tỷ lệ nhất định đối các hạng mục công việc mà khối lượng phát sinh tăng 20% (đơn giá phải lập lại mới) so với khối lượng hợp đồng và khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng khi chưa được các bên thống nhất đơn giá.
Theo đại diện Tổng Công ty cơ khí xây dựng (COMA), khối lượng phát sinh của hợp đồng chủ đầu tư lại dồn cho nhà thầu (nhà thầu đã bỏ tiền ra thi công) nhưng khi thanh toán lại bị giữ lại và yêu cầu khi quyết toán toàn bộ công trình mới thanh toán. Các yêu cầu về thủ tục hồ sơ gây phiền phức, mất thời gian cho doanh nghiệp. Nhiều công trình đã hết bảo hành tới 10 năm mà vẫn chưa phê duyệt quyết toán. Đề nghị quy định lại các khái niệm: thời gian bảo hành, thời gian đưa vào vận hành thương mại. Hợp đồng trọn gói thì yêu cầu thực hiện đúng quy định trọn gói.
Ông Hoàng Ngọc Tú – Phó Tổng Giám đốc Delta cho biết, Công ty thực hiện nhiều dự án của tư nhân nhưng cũng bị nhiều vướng mắc về nợ đọng. Một số chủ đầu tư ban đầu thực hiện rất đúng quy trình nhưng đến khi quyết toán sẽ lộ rõ, chỉ tạm thời quyết toán. Đã đến lúc phải chọn bạn mà chơi, chọn chủ đầu tư có uy tín; cần phải xếp hạng các chủ đầu tư uy tín, không thể chơi với chủ đầu tue chỉ đi chiếm dụng của người lao động mà đại diện là các nhà thầu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định: Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng về quy định thanh toán, việc đảm bảo quyền lợi thanh toán. Bảo lãnh thanh toán cho các công trình ngoài ngân sách. Cần có thời gian để điều chỉnh luật pháp. Kiến nghị: Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, ngành chức năng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.
Nguồn: Báo xây dựng