Ninh Thuận tìm nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội hơn 1.134 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận vừa phát đi thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu tái định cư Thành Hải (thuộc khu tái định cư Cụm công nghiệp Thành Hải, xã Thành Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm).
Theo đó, dự án có quy mô diện tích đất là 19.151m2. Riêng về diện tích xây dựng, thông báo nêu rõ diện tích xây dựng nhà ở xã hội là 6.128,53m2 và phần diện tích xây dựng nhà ở thương mại là 1.532m2 (trong lô A hoặc B); tầng cao cho phép là 15 tầng. Dự án sẽ gồm 1.155 căn nhà ở xã hội và 197 căn nhà ở thương mại. Quy mô dân số dự án là khoảng 5.408 người, trong đó nhà ở xã hội có 4.620 người và nhà ở thương mại có 788 người… Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 1.134 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, thời hạn hoàn thành dự án nói trên là 4,5 năm. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thành các thủ tục pháp lý đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng, hồ sơ thiết kế và dự toán… trong 6 tháng (tính từ thời điểm phê duyệt chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án). Đối với công tác xây dựng công trình nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án, sẽ hoàn thành trong 30 tháng. Đối với xây dựng công trình nhà ở thương mại sẽ hoàn thành trong 18 tháng. Nhà đầu tư quan tâm dự án có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận trước ngày 1/2/2023.
Được biết, dự án nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Thành Hải được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 9/2022. Mục tiêu của dự án là tạo quỹ nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có thu nhập thấp được mua, thuê mua, thuê nhà tạo chỗ ở ổn định lâu dài, xây dựng đồng bộ và chỉnh trang cơ sở hạ tầng xung quanh, phù hợp với cảnh quan và theo định hướng phát triển chung của địa phương.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 20% tổng mức đầu tư của dự án trở lên (tương đương 226,951 tỷ đồng trở lên). Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần góp vốn chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%.
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã đón nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào các dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án du lịch… hứa hẹn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.