Ninh Thuận sở hữu 1 trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam
Đến Ninh Thuận, du khách thỏa lòng trải nghiệm những cung bậc khám phá thú vị trên cung đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná dài hơn 105km, một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.
Bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Ninh Thuận có nhiều tiềm năng về du lịch biển khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 105km với những bãi tắm có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm.
Đây là những điều kiện thuận lợi đang được tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh khai thác, phát triển các loại hình du lịch biển thu hút du khách.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Tỉnh Ninh Thuận tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, đến nay đã hình thành các khu du lịch biển Bình Sơn-Ninh Chữ, Cà Ná, đang đầu tư Khu Du lịch Bình Tiên và Vĩnh Hy.
Bãi biển Bình Tiên với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa có hệ sinh thái rừng, biển đa dạng, độc đáo đang được tỉnh đầu tư xây dựng để trở thành khu du lịch tầm cỡ cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Đến Ninh Thuận, du khách thỏa lòng trải nghiệm những cung bậc khám phá thú vị trên cung đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná dài hơn 105km, một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.
Dọc cung đường là những rừng cây, núi đá với đèo dốc uốn lượn, những con suối, vũng vịnh với hàng chục bãi biển trong xanh, bờ cát trắng trải dài.
Bên cạnh đó có các đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn, phù hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, trường đua mô tô trên cát, lướt sóng, leo núi và tham quan các cánh đồng muối.
Sở hữu tài nguyên tự nhiên phong phú, bao đời nay biển không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống mà còn là không gian để cộng đồng cư dân ven biển Ninh Thuận xây dựng nên một nền văn hóa biển với những di sản văn hóa đặc sắc.
Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến môi trường biển, các lễ hội dân gian; hệ thống tín ngưỡng, phong tục tập quán; nghệ thuật diễn xướng dân gian; tri thức bản địa; văn hóa ẩm thực đặc thù của cư dân miền biển… Ðây chính là nguồn tài nguyên nhân văn giàu có để tỉnh phát triển du lịch biển bền vững.
Nắm bắt thế mạnh trên, dọc theo cung đường ven biển của tỉnh Ninh Thuận đã và đang được rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực du lịch quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch, các dự án du lịch quy mô lớn, trọng điểm như: Công ty Cổ phần Mũi Dinh Ecopark; Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên; Công ty Cổ phần Ninh Chữ Bay; Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Syrena Việt Nam…
Trong số đó, một số nhà đầu tư đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch, xây dựng.
Gần đây nhất, các dự án tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort kết nối công viên biển Bình Sơn; tổ hợp nghỉ dưỡng biển tiêu chuẩn 5 sao quốc tế Sailing Bay Ninh Chữ cùng Khu Du lịch Mũi Dinh Ecopark đã và đang nhanh chóng triển khai thi công, xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí biển cao cấp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, những năm qua, ngành Du lịch tỉnh được ưu tiên đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm cho nhân dân các địa phương ven biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh biển, đảo.
Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển Ninh Thuận đã và đang góp phần thu hút hàng triệu khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng mỗi năm.
Tạo bước đột phá cho du lịch biển
Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế biển và du lịch biển, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Du khách tham quan bãi san hô cổ ở Hang Rái thuộc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Đồng thời tập trung quán triệt, thực hiện các chủ trương, khâu đột phá theo Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 17/1/2022 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó du lịch biển được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41- 42% GRDP của tỉnh, trong đó cơ cấu nội bộ nhóm ngành kinh tế biển gồm đô thị, dịch vụ du lịch biển chiếm 16-17%.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế.
Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch biển; đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, giải trí, thể thao biển, du lịch cộng đồng để tăng tính kết nối với các địa phương.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, khai thác hiệu quả tuyến du lịch Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa gắn với tuyến du lịch quốc gia; hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu về phát triển đô thị du lịch; đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040, đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh… kết hợp phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ chất lượng cao.
Tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Việc xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển được tỉnh Ninh Thuận thực hiện trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc, kết nối với các tuyến du lịch địa phương và quốc tế nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu phát triển đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận đã và đang phát triển du lịch theo hướng trọng điểm có đẳng cấp cao, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch biển đặc thù, độc đáo riêng có để nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực Duyên hải miền Trung. Đây là chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, tạo bước đột phá cho du lịch Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam./.
Nguồn: Báo xây dựng