Ninh Thuận: “Mở rộng cửa” để mời gọi nhà đầu tư

(Xây dựng) – Để phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tốt, tỉnh Ninh Thuận tập trung mọi nguồn lực để hiện thực hóa quyết định trên, trong đó chủ trương “mở rộng cửa” để chào đón nhà đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ninh Thuận: “Mở rộng cửa” để mời gọi nhà đầu tư
Hạ tầng và môi trường đầu tư giữ vai trò chính trong việc kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư, phát triển Ninh Thuận.

Tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phục hồi, ổn định. Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp tăng khá, kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 20.662 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.762 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.540 tỷ đồng.

Đặc biệt, năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh cải thiện đáng kể, chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2023.

Những kết quả nổi bật trên là nền tảng để các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, cân nhắc, ưu tiên lựa chọn hợp tác lâu dài, phát triển bền vững cùng với tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh, tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các chỉ số về kinh tế ổn định, chính quyền tỉnh Ninh Thuận cũng ưu tiên tận dụng, phát huy lợi thế về cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như: Cảng biển tổng hợp nước sâu Cà Ná có khả năng đón tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên; Khu công nghiệp Phước Nam, quy mô 370ha; Khu công nghiệp Thành Hải, quy mô 78ha; Khu công nghiệp Du Long, quy mô 407,28ha và đang trình Chính phủ phê duyệt Khu công nghiệp Cà Ná, quy mô 827,2ha.

Hiện tại, quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh còn khá lớn, có mức giá cho thuê thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực (bằng khoảng 30%); cùng với lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo có kỹ năng nghề; giá thuê nhân công rẻ hơn khu vực các tỉnh, thành phía Nam (bằng khoảng 70%)… là điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để phát triển tại tỉnh Ninh Thuận.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhiều lần khẳng định: Với các nhà đầu tư đến với tỉnh đó là “sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh”, chính vì vậy tỉnh luôn đón nhận các nhà đầu tư mang hết tâm huyết, trách nhiệm đến đầu tư tại tỉnh và tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư thành công, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho tỉnh Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương, đảm bảo quyền lợi tốt nhất để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích