Ninh Thuận: Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng SPHH thông qua hỗ trợ dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo

Nhằm tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, ngày 10/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Đề án 996) với mục tiêu chung là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp (DN), phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…

Xác định tầm quan trọng của Đề án 996, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch giai đoạn và các kế hoạch thực hiện hằng năm, giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể: Tập trung hỗ trợ DN trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại các DN; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động DN. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đo lường hỗ trợ DN; Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường…

 Ảnh minh họa.

Để triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức triển khai các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về đo lường, nhiệm vụ thuộc Đề án 996; các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đo lường hàng đóng gói sẵn; đảm bảo đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường của cơ quan quản lý, DN có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Duy trì hệ thống chuẩn đo lường tại địa phương, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết với chuẩn đo lường Việt Nam. Tổ chức các cuộc kiểm tra hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ DN đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Tiếp tục triển khai Đề án 996, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường, tập trung vào các nội dung hỗ trợ DN đủ điều kiện tham gia chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và xây dựng phương pháp đo.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu của Đề án đến tổ chức, DN… nhằm nâng cao nhận thức về đo lường chính xác, tầm quan trọng và lợi ích của đo lường chính xác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa để đáp ứng yêu cầu theo xu thế hội nhập.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan trong công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong đo lường, đảm bảo công bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người.

Có thể nói, việc ban hành Đề án 996 về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương cũng như những kế hoạch triển khai của địa phương là bước khởi đầu quan trọng để đưa chính sách vào thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích