Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Biến rác thành tiền”

Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Biến rác thành tiền”

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn tại huyện Ninh Phước đang cải thiện đáng kể nhờ mô hình “Biến rác thành tiền”.

Việc làm ý nghĩa

Theo tìm hiểu của PV, từ 3 năm trở lại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập mô hình “Biến rác thành tiền” thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia hưởng ứng. Điển hình trong số này là Chi hội Phụ nữ xã Phước Thuận và Phước Sơn, với nhiều hoạt động tích cực bằng việc gom phế liệu bán gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Ninh – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hiệp Hòa, xã Phước Sơn cho biết, từ tháng 7/2021, Hội Phụ nữ xã đã triển khai thành lập mô hình tổ thu gom phế liệu tình thương “Biến rác thành tiền”, xuất phát từ tinh thần “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”.

 “Mặc dù việc không lương nhưng chị em ai cũng phấn khởi, ai nấy đều tự giác gom, chưa bao giờ các chị em than vãn hay kể công với đời, bởi trong họ luôn mang trong mình sự hi sinh cho cộng đồng, góp công sức để giúp đỡ hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống”, chị Ninh chia sẻ thêm.

tm-img-alt
Hội viên Chi hội phụ nữ thôn Hiệp Hòa phân loại phế liệu để chuẩn bị bán.

Đối với xã Phước Thuận, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của người dân, tình trạng xả rác thải bừa bãi ra khu dân cư như trước đây đã được hạn chế.

Chị Ngô Thị Thủy Tiên – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phước Thuận, cho biết thời gian đầu chỉ có ít hội viên tham gia, nhưng dần dần nhận thấy được ý nghĩa của mô hình, từ 20 hội viên đến nay đã tăng lên 35, nguồn quỹ được duy trì hơn 6 triệu đồng/năm.

Cứ 3 tháng một lần, các hội viên sẽ gom phế liệu đến nhà chi hội trưởng hoặc hội trường thôn ban quản lý thôn để bán lấy tiền mua các nhu yếu phẩm như đường, dầu ăn, bột ngọt, hay khi tích lũy nhiều các hội viên sẽ mua thêm gạo tặng cho các hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, xã sẽ phát triển mô hình này ra các thôn khác trên địa bàn.

Lan tỏa yêu thương

Theo ghi nhận, dù quỹ tích lũy từ mô hình “Biến rác thành tiền” của các chi hội phụ nữ ở xã Phước Thuận và Phước Sơn không lớn, nhưng qua đó các hội viên đã giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực vươn lên ổn định cuộc sống.

Bà Lê Thị Xuân Hương (57 tuổi, ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận), cho biết: “Trước đây chồng tôi là lao động chính trong gia đình, nhưng cách đây 7 năm bị tai biến nằm liệt một chỗ, từ đó kinh tế gia đình từ đó dần kiệt quệ. Nhờ có các chị em phụ nữ ở thôn thường xuyên quan tâm đến thăm hỏi, tặng quà mà gia đình được phần nào giảm bớt gánh nặng. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự cũng được các chị em trong Hội giúp đỡ nhiệt tình”.

tm-img-alt
Các hội viên Chị hội Phụ nữ thôn Hiệp Hòa trao quà cho một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói, mô hình hoạt động của Hội Phụ nữ 2 xã trên không chỉ góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường “xanh sạch đẹp” tại nông thôn, mà còn nêu cao tinh thần ý thức người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn, vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích