Ninh Thuận: Đất công bị lấn chiếm trái phép
Ninh Thuận: Đất công bị lấn chiếm trái phép
Hàng chục hộ dân và doanh nghiệp ngang nhiên xâm chiếm khu vực đất lâm nghiệp để kinh doanh, xây dựng nhà tạm.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực do BQL rừng phòng hộ Krông Pha quản lý và phần đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn Quốc lộ 27 (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận), hiện có gần 20 quán ăn đang lấn chiếm đất công trái phép.
Đáng chú ý, tại khu vực trên, Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình (đơn vị đảm nhiệm công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến Quốc lộ 27) đang lấn chiếm gần 2.000 m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường bộ và một phần diện tích đất thuộc lâm phần do BQL rừng phòng hộ Krông Pha quản lý để dựng nhà tiền chế, rải nhựa đường, đổ xà bần dôi dư sau khi sửa chữa, khắc phục mặt đường Quốc lộ 27.
Ngoài ra, còn có 6 trường hợp đã tự ý dựng chòi trái phép trên đất BQL rừng Krông Pha quản lý.
Các trường hợp lấn chiếm đất đai trên diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng địa phương chưa can thiệp, xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Ông Lê Thành Tú – Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cho biết, việc Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình lấn chiếm đất rừng phòng hộ và hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, xã đã báo cáo đến UBND huyện. Người dân rất bức xúc việc doanh nghiệp này thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng tuyến Quốc lộ 27, nhưng lại đi lấn chiếm đất đai trên tuyến đường này.
“Đối với trường hợp 19 quán ăn, dịch vụ có hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn quốc lộ 27, do đã xây dựng cách đây mấy chục năm nên địa phương chấp nhận cho họ giữ nguyên hiện trạng để tiếp tục sử dụng, nhưng không cho cơi nới, hay xây dựng mở rộng thêm. Ngoài ra, địa phương đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan kiểm tra phát hiện và lập biên bản xử phạt 04 trường hợp, trong đó có 02 trường hợp đã chấp hành đóng phạt và hoàn thành tháo dỡ”, ông Tú thông tin thêm.
Trả lời về nguyên nhân để xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho rằng, những sai phạm trên tồn tại trong suốt thời gian dài là do chính quyền buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ Krông Pha là đơn vị được giao đất, giao rừng để quản lý nhưng chưa chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
“Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 là đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ nhưng thiếu kiểm tra, thanh tra thường xuyên dẫn đến các hộ dân dựng chòi, quán, đào, đắp taluy dọc Quốc lộ 27 trong phạm vi hành lang đường bộ, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình công cộng. Hiện huyện đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan khẩn trương phối hợp với địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhằm xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trên” ông Hòa nói thêm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị