Ninh Thuận: Các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời “thờ ơ” việc sửa đường cho dân
(Xây dựng) – Mặc dù, thời gian qua huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư triển khai dự án điện gió, điện mặt trời đúng tiến độ và đưa vào vận hành sử dụng. Tuy nhiên, điều dáng nói là các chủ đầu tư lại “thờ ơ” việc sửa chữa, nâng cấp lại tuyến đường bê tông nông thôn từ thôn Mông Đức đi thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu bị xuống cấp trầm trọng do các phương tiện trọng tải lớn phục vụ các công trình này gây ra.
Xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông khiến mặt đường bê tông nông thôn từ thôn Mông Đức đi thôn Hậu Sanh nhiều đoạn đường bị bong tróc nham nhở, gồ ghề. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng trong 2 ngày 8 và 9/11, mặt đường bê tông nông thôn từ thôn Mông Đức đi thôn Hậu Sanh nhiều đoạn đường bị bong tróc nham nhở, gồ ghề với nhiều ổ voi, ổ gà. Đặc nhiều, nhiều thanh sắt bung, nhô lên khoảng 2 – 3cm, chỉ cần lơ là, thiếu cảnh giác là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Theo người dân địa phương, hàng ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông khiến cho mặt đường biến dạng từ bê tông thành đường đất, ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng, bụi mù mịt, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chị Ông Thị Xuân Hương, thôn La Chữ, xã Phước Hữu bức xúc nói: “Cách đây khoảng 1 tháng khi đang trong thì tôi nghe một tiếng “ầm” rất lớn, chạy ra thấy một bé gái đang mang đồ ăn cho người thân bị té ngay dưới ô voi, phần đầu cháy máu rất nhiều. Thấy vậy, tôi phải nhờ người đi đường đưa bé vào nhà tôi để thoa dầu, băng bó vết thương. Điều may mắn là dưới ổ voi có nhiều thanh sắt lòi lên nhưng không đâm vào mắt hay bụng của bé gái này”.
Từng chứng kiến nhiều vụ tại nạn ngay gần nhà mình, chị Nguyễn Thị Trung, thôn La Chữ cũng chia sẻ: “Có lần tôi chứng kiến người mẹ chở theo con nhỏ khi đến đoạn đường xuống cấp do chủ quan nên vấp phải ổ voi sâu khoảng 20 cm khiến cả 2 mẹ con ngã nhào xuống đường, tôi vào đưa nhà băng bó tạm vết thương rồi đưa đi trạm xá. Chỗ đoạn đường xuống cấp gần nhà tôi kéo dài gần 100m, tôi đã chứng kiến 4, 5 người tại nạn rồi. Mới đây có thêm ông cụ lớn tuổi bị té ngã may mắn chỉ bị xay xát nhẹ”.
“Ở đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn nên tôi phải mua bông, băng, thuốc đỏ để sẵn, phòng khi có ai bị tai nạn thì băng bó vết thương cho người ta, chứ người ta té tội lắm”, chị Trung nói thêm.
Bê tông, sắt bị vênh lên gây nguy hiểm cho người dân. Đặc biệt là vào ban đêm. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, thời gian qua các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn huyện Ninh Phước của các chủ đầu tư như: Công ty Cổ phần điện gió Phước Hữu Trung Nam, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, Công ty Cổ phần BP Solar, Công ty cổ phần tái tạo và nông nghiệp Ninh Thuận, Công ty cổ phần đầu tư điện Phước Hữu, Công ty TNHH Sinenergy Holding, Công ty TNHH Năng Lượng mặt trời TT.SungLim và Công ty TNHH Hưng Tín đồng loạt triển khai, vận chuyển các vật tư, thiết bị thi công phục vụ dự án trên các phương tiện với độ lưu thông và trọng tải lớn trên các tuyến đường duy nhất vào các khu dự án là đường Mông Đức đi Hậu Sanh và đường Phú Quý đi Phước Hữu, nên các tuyến đường này đã bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng an toàn giao thông.
Ông Bạch Văn Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Mặc dù khó khăn nguồn kinh phí, nhưng năm 2019 huyện huy động nguồn ngân sách huyện để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đoạn đường Phú Quý đi Mông Đức với chiều dài 1,52km, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng nhằm giải quyết bức xúc của nhân dân, cũng như tạo điều kiện cho các chủ đầu tư vận chuyện vật tư xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào vận hành sử dụng”.
Ngoài ra, ông Nguyên cho biết thêm, đến nay, tuyến đường Mông Đức đi Hậu Sanh tiếp tục hư hỏng ngày càng nặng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mặc dù địa phương đã sử dụng kinh phí sự nghiệp giao thông để duy tu, bảo trì định kỳ nhưng vẫn không đảm bảo khả năng chịu tải so với lưu lượng và tải trọng phương tiện vẫn chuyển quá lớn vào khu vực triển khai dự án. Trước tình hình đó, huyện đã triển khai lập hồ sơ thiết kế-dự toán để sửa chữa, nâng cấp với chiều dài là 4.321m, kinh phí 9,682 tỷ đồng.
Do khó khăn nguồn vốn ngân sách Nhà nước, UBND huyện đã mời lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và các chủ đồng tư dự án năng lượng làm việc tại UBND huyện 2 lần. Qua đó, các chủ đầu tư đã thống nhất sẽ đóng góp kinh phí sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nêu trên theo tỷ lệ công suất nhà máy MW của từng đơn vị theo quy mô và kinh phí hồ sơ thiết kế đã được UBND phê duyệt.
Ông Bạch Văn Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Sau khi họp ở huyện và đã 3 lần gửi văn bản đến 8 chủ đầu tư để vận động góp kinh phí sửa chữa, nâng cấp tuyến đường. Nhưng đến nay, dù đã liên tục có văn bản nhắc gửi đến các chủ đầu tư nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện cam kết (trừ Công ty Trung Nam)”.
“Thời gian đến huyện sẽ chủ trì họp cùng các Sở giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường để thống nhất giải pháp khắc phục tình trạng này”, ông Nguyên nói thêm.
Một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận được:
Đoạn đường biến dạng từ bê tông thành đường đất. |
Những thanh sắt lòi lõm gây nguy hiểm cho người dân. |
Chị Nguyễn Thị Trung, thôn La Chữ bức xúc trước tình trạng đường xuống cấp nghiêm trọng do các xe tải lớn phục vụ các công trình điện gió, điện mặt trời gây ra. |
Ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng, bụi mù mịt, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Nguồn: Báo xây dựng