Ninh Bình: Xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc và kè hữu sông Đáy
(Xây dựng) – Nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đê sông Vạc và tuyến đê sông Đáy đoạn qua địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã quyết định đầu tư xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc và xử lý kè hữu sông Đáy ngay từ đầu năm 2024 để ứng phó với mưa bão.
Tỉnh Ninh Bình đã quyết định đầu tư 100 tỷ đồng nhằm xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc và xử lý kè hữu sông Đáy. |
Ngày 31/1/2024, HĐND tỉnh Ninh Bình đã có Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc đoạn qua thị trấn Phát Diệm, xã Kim Chính và xử lý kè hữu sông Đáy đoạn qua xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn). Nghị quyết này đã đáp ứng được sự mong mỏi của bà con nhân dân và chính quyền huyện ven biển Kim Sơn mỗi khi mùa mưa bão đến.
Sông Vạc chảy qua địa bàn thị trấn Phát Diệm, xã Kim Chính có chiều dài gần 3km, mặc dù tuyến đê tả sông Vạc đã được đầu tư đổ bê tông kiên cố từ lâu. Tuy nhiên do lưu lượng dòng chảy lớn, mực nước sát chân đê khá sâu nên đã có dấu hiệu sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê, đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, tỉnh Ninh Bình đã rất kịp thời đầu tư xử lý sạt lở của tuyến đê này ngay trong năm 2024.
Dự án xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc đoạn qua thị trấn Phát Diệm, xã Kim Chính và xử lý kè hữu sông Đáy đoạn qua xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) có tổng mức đầu tư là 100 tỷ đồng với mục tiêu giữ ổn định cho chân đê, mái đê, đảm bảo an toàn bền vững cho tuyến đê tả sông Vạc và đê hữu sông Đáy nhằm bảo vệ đời sống cho nhân dân, an toàn cho sản xuất, các kết cấu hạ tầng của địa phương và chủ động trong phòng chống thiên tai, cứu hộ đê trong trường hợp khẩn cấp.
Hiện dự án đang được chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các bên liên quan tập trung sát sao đẩy nhanh tiến độ. |
Chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, hiện đang tập trung chỉ đạo sát sao nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, nhà thầu đang tập trung kè tuyến đê tả sông Vạc bằng đá hộc thả rối tạo mái, riêng các điểm xung yếu được gia cố bổ sung bằng bê tông cốt thép kết hợp tấm chắn rất chắc chắn.
Còn đối với đoạn đê hữu sông Đáy dự kiến sẽ tập trung xử lý chân kè đoạn cống Lạc Thiện 1 và cống Lạc Thiện 2 bằng đá hộc thả tạo mái, phía ngoài phủ đá, mái kè được lát bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn trong hệ khung dầm bê tông cốt thép tạo độ vững cho thân đê.
Dự án được thực hiện trong năm 2024 – 2025, với quyết tâm cao của chủ đầu tư, cũng như nhà thầu thi công và các bên liên quan sẽ đẩy nhanh tiến độ giúp Kim Sơn và bà con nhân dân vùng ven biển yên tâm hơn nữa mỗi khi mùa mưa bão về.
Nguồn: Báo xây dựng