Ninh Bình: Triển khai nhiều phương án xử lý rác thải và ô nhiễm tại bãi rác thung Quèn Khó (Xây dựng) – Bãi rác thung Quèn Khó (xã Đông Sơn, Tam Điệp,
(Xây dựng) – Bãi rác thung Quèn Khó (xã Đông Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ–TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ thời hạn năm 2013 – 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Hố chôn lấp rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đã quá tải chỉ sau 10 năm hoạt động. |
Bái rác thung Quèn Khó là bãi chứa rác thải sinh hoạt lớn của tỉnh Ninh Bình, nhưng không được chôn lấp đúng quy trình kỹ thuật hợp vệ sinh từ năm 1999 và chỉ mới đóng cửa được vài năm gần đây, vì thế bãi rác này đã trở thành “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Phần lớn bề mặt của bãi rác đã dược phủ bằng một lớp đất đá hỗn hợp để chống mùi, thế nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì toàn bộ lượng nước rỉ rác và gần triệu khối rác thải trên diện tích 3ha vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Ngay bên cạnh bãi rác thung Quèn Khó là hố chôn lấp rác thải của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, được thiết kế theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc với sức chứa 350.000 tấn rác (chủ yếu là phục vụ chôn lấp rác thải vô cơ sau khi đã phân loại rác thải hữu cơ để chế biến phân vi sinh) và dự kiến 30 năm mới đầy. Tuy nhiên, do không thể phân loại tại nguồn nên phần lớn rác thải sinh hoạt đổ về đây là chôn lấp, chỉ một phần nhỏ rác thải sinh hoạt từ thành phố Ninh Bình là phân loại được để sản xuất phân vi sinh. Chính vì vậy, chỉ sau 10 năm đi vào hoạt động, hố chôn lấp rác này đã rơi vào tình trạng quá tải.
Được biết, trước đó ngày 14/12/2018 UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 1681/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư Dự án xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi rác thung Quèn Khó với quy mô xây dựng khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, trong đó san nền, xây dựng tường rào khoảng 110m bằng gạch không nung, 1 lò đốt rác thải sinh hoạt công nghệ cao với công suất 50 tấn/ngày không dùng điện, không dùng gas. Rác được phân loại trước khi đưa vào lò bằng máy kết hợp với thủ công (dự kiến 30% rác đốt được, còn lại 70% không đốt được sẽ được đóng thành khối). Đồng thời, cải tạo bãi rác hợp vệ sinh hơn với 2 ô chôn lấp rộng 3ha và sâu 10m. Tổng mức đầu tư dự kiến 45 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2018 – 2020, nhưng đến nay dự án vẫn “án binh bất động”.
Bãi rác thung Quèn Khó đã đóng cửa nhưng cả triệu khối rác vẫn cần phải có phương án, công nghệ xử lý nhằm giải quyết triệt để “điểm đen” ô nhiễm này. |
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Tỉnh đã và đang triển khai phương án để xử lý vấn đề rác thải trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, ngày 24/3/2023, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 164/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Cổ phần Môi trường SUS Thượng Hải, Công ty Cổ phần Công nghệ năng lượng tái tạo và môi trường và ông Nguyễn Văn Tuấn để thực hiện Dự án Nhà máy điện rác Ninh Bình. Mục tiêu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện, sản xuất gạch từ xỉ lò với công công suất 500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 15MW. Tổng mức đầu tư 1.421,28 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết khác theo quy định trước khi bắt tay vào xây dựng, dự kiến năm 2026 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Còn đối với tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác thung Quèn Khó và hố chôn lấp rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đã rơi vào quá tải, các Sở, ban, ngành chuyên môn cũng như tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ một số phương án cũng như công nghệ làm sao xử lý tối ưu cả triệu khối rác đã tồn tại hàng chục năm để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại đây.
Nguồn: Báo xây dựng