Ninh Bình thu giữ nhiều bánh trung thu và đồ chơi nhập lậu

Sau khi xác minh là có căn cứ, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm Lương Vui, tại xóm 3, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa là thực phẩm gồm 288 chiếc bánh trung thu các loại do nước ngoài sản xuất. Ông Vũ Đức Chỉnh- chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để có căn cứ xác định tính hợp pháp của số hàng hoá do nước ngoài sản xuất nói trên. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 10 triệu đồng. Ngay sau đó Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt cơ sở nói trên với mức phạt tiền 6 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm theo quy định đối với hành vi kinh doanh hàng hoá là thực phẩm nhập lậu.

Liên quan tới đồ chơi trung thu nhập lậu, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em C.N có địa chỉ tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 660 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại (máy bay đồ chơi, đồ chơi trẻ em xếp hình, đồ chơi hình thú) có trị giá 28,8 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ theo quy định.

Bánh trung thu nhập lậu bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Ninh Bình

Đề cập tới bánh trung thu, đây là một loại bánh truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Việt. Đặc biệt bánh được sử dụng vào dịp tết Trung thu. Bên cạnh bánh trung thu của các hãng bánh kẹo lớn bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn còn xuất hiện các loại bánh không rõ nguồn gốc, chất lượng, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Trước thực trạng trên, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã phối hợp với Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia xây dựng hai tiêu chuẩn quốc gia là TCVN 12940 về bánh nướng và TCVN 12941 về bánh dẻo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bánh trung thu, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất chân chính.

Nội dung các tiêu chuẩn này đã được Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng quy định các chỉ tiêu cảm quan, hoạt độ nước, tro không tan trong axit, trị số peroxit, trị số axit. Các chỉ tiêu an toàn thực phẩm được quy định bao gồm: chì, độc tố vi nấm cùng với các vi sinh vật như E. coli, Staphylococcus, Salmonella, nấm mốc… đây là những mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo. Các vụ ngộ độc do bánh trung thu qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này.

Các tiêu chuẩn quốc gia nêu trên sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.

Bên cạnh đó, đối với người tiêu dùng khi mua sản phẩm bánh trung thu, thay vì chỉ quan tâm tới cảm quan của sản phẩm, còn nên chú ý tới nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thể hiện qua thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định… Ngoài ra, điều kiện bảo quản, bày bán sản phẩm cũng rất quan trọng, sản phẩm xuất xưởng có chất lượng tốt nhưng bày bán trên các hè phố nóng và bụi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Đối với bánh mua trực tuyến, người tiêu dùng càng cần phải cân nhắc lựa chọn kỹ thương hiệu của sản phẩm.

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích