Ninh Bình: Thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư lao đao
Ninh Bình: Thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư lao đao
Theo dõi MTĐT trên
Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản tại Ninh Bình ngày càng ảm đạm vì ngân hàng siết chặt các khoản vay đầu tư bất động sản.
Đất thì không bán được, trong khi đó lãi tín dụng, ngân hàng lại cao khiến nhiều người phải chấp nhận bán tháo, bán lỗ để thu hồi vốn và trả nợ.
Ông Nguyễn Trường Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình) cho biết, thời điểm đầu năm 2022, thị trường bất động sản tại Ninh Bình rất sôi động, có thời điểm được gọi là “sốt” vì giá đất ở nhiều nơi được đẩy lên rất cao, nhiều người mua đi, bán lại chỉ trong một đêm là có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Người dân ồ ạt đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Tuy nhiên, thời điểm này số lượng người đến làm thủ tục rất ít, chỉ không bằng 1/3 so với trước đây.
Theo ông Tuấn, phần lớn người đầu tư vào bất động sản chủ yếu là đi vay tiền từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Vì vậy, khi ngân hàng siết chặt các khoản vay đầu tư bất động sản thì người đầu tư lâm vào khó khăn. Đất thì không bán được, trong khi đó lãi tín dụng, ngân hàng lại cao khiến nhiều người phải chấp nhận bán tháo, bán lỗ để thu hồi vốn và trả nợ.
Dạo quanh một vòng trên các trang mạng về giao dịch nhà đất ở Ninh Bình, nhiều người đăng bài rao bán đất cả tháng nhưng không có người mua. Theo khảo sát, hiện nay giá đất tại Ninh Bình thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2022. Nếu như một lô đất tại thành phố Ninh Bình vào thời điểm đầu năm 2022 có giá thị trường là 2,2 tỉ đồng thì nay chỉ còn khoảng 1,6 tỉ đồng.
Chị Đỗ Thùy Linh, một công chức tại TP Bình cho biết, đầu năm 2022 khi thị trường đang sốt, nghe theo bạn bè chị tham gia thị trường bất động sản và liên tục “trúng lớn” chỉ trong hai tháng đầu năm. Tháng 3/2022, chị đã vay ngân hàng gần 6 tỷ đồng để “mạnh tay” đầu tư ôm nhiều lô đất tại xã Yên Tử, huyện Yên Mô với hy vọng trong thời gian ngắn đẩy nhanh đất, chị sẽ sớm tất toán khoản vay với ngân hàng.
Thế nhưng, “chưa đầy một tháng, thị trường bất động sản khắp nơi ‘xì hơi’, nhiều tháng liền tôi không đẩy hàng đi được mà mỗi tháng vẫn phải xoay sở gần 50 triệu tiền lãi mỗi tháng. Hiện nay, những lô đất này được rao bán cắt lỗ nhưng vẫn không bán được”, chị Linh cho hay.
Theo một nhân viên văn phòng bất động sản tại Ninh Bình, nhiều tháng qua, thị trường bất động sản tại Ninh Bình cũng im lìm như bao nơi khác. Đặc biệt là từ tháng 5/2022 đến nay, các giao dịch mua bán giảm dần, số lượng người mua hồ sơ mỗi khi có thông báo đấu giá đất cũng ít đi.
Mặc dù vậy, Hiệp hội Bất động sản tỉnh Ninh Bình đánh giá, những tác động của các chính sách Nhà nước trong việc điều chỉnh giá đất, quản lý việc sang tên đổi chủ, phân lô tách thửa,… đã làm thị trường bất động sản cả nước nói chung và tại Ninh Bình nói riêng có độ chững nhất định. Tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn, tuy nhiên số lượng giao dịch lẻ tẻ chứ không hoàn toàn đóng băng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị