Ninh Bình: Tập huấn về thực hiện trách nhiệm xã hội và kiểm kê khí nhà kính

Ninh Bình: Tập huấn về thực hiện trách nhiệm xã hội và kiểm kê khí nhà kính

Ngày 10/5, tại Ninh Bình, Hội Hóa học Việt Nam đã tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội và kiểm kê khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường .

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tập huấn

Ngành công nghiệp hoá chất là một ngành kinh tế quan trọng tạo ra nhiều sản phẩm thiết yếu cho đời sống và có đóng góp lớn, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Nhưng mặt khác, những sự cố xảy ra sự xảy ra đã gây mối quan ngại lớn về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, ngành công nghiệp hoá chất ngày càng phải chú trọng hơn đến các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khoẻ và an toàn cho con người, thể hiện hơn nữa trách nhiệm của mình đối với xã hội trong các lĩnh vực này.

Ông Chử Văn Nguyên – Phó Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam cho biết, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các yếu tố như đóng góp cho cộng đồng xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi, điều kiện làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động; đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

Mục tiêu cao nhất của những nỗ lực này là mang lại sự an toàn cho con người và môi trường, xã hội.. đồng thời cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn hóa chất lớn đều cố gắng giảm thiểu ô nhiễm, lấy bảo vệ môi trường làm nội dung ưu tiên trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình bằng nhiều cách như sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.

Đồng thời nâng cao trách nhiệm tự nguyện đối với xã hội thông qua thay đổi thái độ, thực hành quản lý môi trường bằng các giải pháp kỹ thuật. Điều này vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa mang lại lợi ích cho môi trường, văn hoá, hình ảnh doanh nghiệp, uy tín thương hiệu…

Việc tập huấn cho người lao động của doanh nghiệp và tổ chức cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó sự cố là một nhiệm vụ trọng tâm. Ít nhất 1 năm 1 lần phải tập huấn kế hoạch ứng phó sự cố để kiểm tra mức độ sẵn sàng, độ sai lệch giữa thực tế và kế hoạch. Đồng thời chia sẻ thông tin và kinh nghiệm liên quan đến xây dựng kế hoạch ứng phó, tập huấn, tổ chức tham gia và ứng phó các sự cố xẩy ra tại các doanh nghiệp khác nằm trên địa bàn cũng như cộng đồng.

Việc kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các khí nhà kính phổ biến bao gồm carbon dioxide (CO2), methane (CH4), nitrous oxide (N2O) và các chất khí fluorocarbon

Rác thải là một trong năm nguồn phát thải khí nhà kính chính tại Việt Nam với lượng phát thải khoảng 31.3 triệu tấn CO2tđ năm 2020. Đến năm 2030, dự kiến lượng khí thải từ lĩnh vực này sẽ tăng lên khoảng 40 triệu tấn CO2tđ nếu như không có hành động nào được thực hiện. Theo đánh giá, các hoạt động xử lý rác được tổ chức hiệu quả sẽ trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm 381 lò đốt chất thải rắn, 37 dây chuyền sản xuất phân bón và 904 bãi chôn lấp. Các nguồn phát thải chính đến từ các bãi chôn lấp (50,3%) và từ việc xử lý nước thải là 43,2%.

Ở Việt Nam, mục tiêu đặt ra là giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chất thải xuống 29,4 tCO2 (63%) theo BAU vào năm 2030 với sự hỗ trợ quốc tế. Thực tế, chúng ta đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính từ 20 năm nay cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức như: Chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Thiếu nhân lực chuyên môn có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính để thiết lập và vận hành hệ thống quản trị khí nhà kính. Ngoài ra, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch hưỡng dẫn kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp hóa chất cũng nghe các chuyên gia khái quát về thị trường cacrbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình hàng hóa tiềm năng đã được mua và bán trên thị trường. Đó là lượng khí nhà kính được cắt giảm trong một đơn vị phát thải khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hóa chất nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất sản sinh ra khí nhà kính nói chung.

Các doanh nghiệp sản xuất sản sinh ra khí nhà kính nói chung và doanh nghiệp hóa chất nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bản thân các doanh nghiệp phải có sự chuyển dịch xanh để hướng tới sử dụng các công nghệ ít phát thải carbon cũng như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí.

Tuy nhiên, đây là quá trình chuyển đổi lâu dài bởi mỗi quy trình sản xuất doanh nghiệp đều đã được thiết lập cố định nên việc chuyển đổi cần thời gian, lộ trình. Vì vậy, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cân đối phân bổ các hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nguồn huy động tài chính xanh và hỗ trợ từ quốc tế.

Việc thực hiện các quy định về kiểm kê khí nhà kính là cách doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ thực hiện cam kết có trách nhiệm cao của Việt Nam với quốc tế. Đây cũng là cơ sở để tiến tới đánh thuế/xác định ưu đãi/dán nhãn sinh thái đối với các doanh nghiệp/cơ sở phát thải. Doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này có thể xây dựng được một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính đầy đủ, liên tục, minh bạch, chính xác giúp doanh nghiệp quản lý, sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả.

Minh Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích