Ninh Bình: Tăng cường vệ sinh môi trường, đẩy lùi dịch bệnh

(TN&MT) – Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, các cơ sở, địa phương trên toàn tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai các biện pháp xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị TP. Ninh Bình cho biết: Hiện công ty đang quét dọn, thu gom rác trên 48 tuyến đường, các khu dân cư thuộc 14 xã, phường của TP. Ninh Bình, trung bình mỗi ngày vận chuyển 120 tấn rác thải vào nhà máy xử lý rác thải trong Tam Điệp để xử lý. Đến nay là đợt dịch thứ 4 nhưng các cán bộ, công nhân của công ty không quản dịch bệnh vẫn ngày đêm âm thầm có mặt ở khắp các tuyến phố để mang lại hình ảnh xanh, sạch, đẹp cho thành phố.

Tại các bệnh viện, rác thải sinh hoạt của các bệnh nhân thông thường sẽ được Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị TP. Ninh Bình thu gom, mang đến nơi xử lý. Còn rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung và 2 cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 được coi là chất thải lây nhiễm thì ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, xử lý riêng.

Rác thải trong khu vực cách ly tập trung được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, nhãn dán nguy cơ nhiễm bệnh

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 tại các khu cách ly, các nhân viên y tế thực hiện nghiêm quy trình thu gom rác thải. Tại khu cách ly hiện có nhiều người cách ly tập trung nhất trên toàn tỉnh Ninh Bình, nhân viên đã thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn thu gom rác thải đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện phun khử khuẩn thường xuyên khu cách ly tập trung.

Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt với đơn vị có đủ năng lực là Công ty ETC Nam Định.

Xe vận chuyển ra vào đều được phun khử khuẩn

Được biết, toàn bộ rác thải tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, rác thải khu vực lây nhiễm Covid-19 đều được xử lý theo tiêu chuẩn an toàn, quy trình nghiêm ngặt. Rác thải khu vực này được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, nhãn dán nguy cơ nhiễm bệnh. Người thu gom được trang bị bảo hộ an toàn, rác trước khi thu gom được đưa lên xe chuyên dụng thực hiện phun, xịt khuẩn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, số lượng người cách ly tăng nên lượng rác thải sinh hoạt, rác thải y tế tại các cơ sở này cũng tăng cao tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, nơi tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhiều nhất, Bệnh viện đã chỉ đạo nhân viên y tế hàng ngày vệ sinh sàn nhà, khu vệ sinh, cửa sổ, cửa ra vào… thường xuyên khử khuẩn, khử trùng theo quy định, chú trọng phân loại rác thải ngay từ đầu. Các điều dưỡng sau thao tác tiêm chích, rửa vết thương thì phân loại bỏ bơm tiêm, kim tiêm vào từng thùng theo từng loại chất thải, đồng thời hướng dẫn người nhà và người bệnh bỏ rác đúng nơi quy định. 

Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay vì lý do an toàn hầu như rác thải sinh hoạt đều không được dùng để sản xuất phân bón

Ông Bùi Thanh Quang, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết: Vì tính đặc thù khi rác thải vào nhà máy phải phân loại thủ công thì mới sản xuất phân bón được nên từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay vì lý do an toàn hầu như rác thải sinh hoạt đều không được dùng để sản xuất phân bón mà được đưa đi xử lý bằng phương pháp hợp vệ sinh khác. Hiện nhà máy chỉ dùng rác thải hữu cơ trong sản xuất của Nông trường Đồng Giao để sản xuất phân bón vi sinh.

Bạn cũng có thể thích